Trang

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Saigon - Bangkok: Thông xe máy và hơn thế nữa



Đó là một thông báo không khỏi làm giang hồ trợn mắt vào dịp đầu xuân Canh Dần 2010.


Sài Gòn đi Bangkok, máy bay chả buồn nói, cắp ba lô đi bụi trên những chuyến xe đò, cũng chả buồn nói. Có cái gì buồn nói là đi bằng xe máy.

Như mọi năm, 5h sáng mồng 2 Tết là xách xe ra khỏi nhà.



Đi cho nó "ấm vào thân", cho nó sướng cái thân, chơi với thiên nhiên. Khác với những chuyến trước: không buồn mang theo máy ảnh. Ba thằng chỉ có 1 chiếc máy tự động, bé bằng gói thuốc lá, của Minh La. Phần lớn ảnh do y lâu lâu chụp một phát, gọi là.

Xơi phở và café nhà làm, rồi cùng Đen đến chân cầu Bình Phước hẹn Minh La. Ba thằng thẳng tiến đi Mộc Bài.

Người thì dễ rồi, cứ chìa giấy tờ là qua. Xe có qua được không mới là vấn đề. 


Thấy mọi người cứ thế dắt qua, mình cũng làm vậy. Chắc là thấy đám mặt lạ, một tay hải quan Miên hất hàm hỏi đi đâu? Đi Phnom Penh. Hắn trợn mắt: Không đi được xa đâu. 
Nói xong hắn bỏ vào, không hiểu không đi được là thủ tục hay đường xa... 


Mọi người vẫy tay bảo đi. Kệ. Hắn đi khỏi thì mình cũng dắt xe đi. Hỏi lại thêm phiền.
Chừng vài trăm mét, rẽ vào café, thay nhớt, Đen thay ruột xe… cho chắc. Xong, phi thẳng quốc lộ 1 của Cam. Tới phà Niếc Lương đổi tiền, mua vé. Đường xuống phà:

Qua phà Niếc Lương trên sông Mekong, giống như ở miền Tây. Cảm giác như đi phà ở nhà.


Đầu năm xuất hành đi tây, là đi về hướng tây, giống như miền tây.

Gần xịt. Chẳng mấy mà đến Phnom Penh. Qua một cây cầu như cầu Sài Gòn, mà hình như cũng tên là cầu Sài Gòn luôn, quẹo phải là ra bờ sông trung tâm, nơi có hoàng cung và những cột cờ của các nước. Loanh quanh một hồi, thấy một quán café đông đúc có tên Việt là Quỳnh Anh, nhào vô. Cơm, café.
Nhân viên đều nói tiếng Việt. Ông chủ quán, một người tóc bạc, quê Đồng Tháp, sau một hồi chuyện trò, “chúc mừng năm mới”, chỉ đường đi Kok Kong. 

Nhưng cũng phải lần mò mãi mới ra được quốc lộ 4, chạy thẳng xuống phía Sihanouk Ville. 

Cách Sihanouk Ville chừng vài chục cây, có một ngã ba nhỏ bé và đồi dốc. Đó là đầu đường 48. Quẹo vô, đi 150 km nữa qua rừng và đồi núi mới tới biên giới Thái Lan.

Chơi luôn, dù trời đã chiều. Ghé một quán nhà dân vệ đường vắng vẻ. Bỏ bánh chưng, thịt kho, dưa góp mang theo, chỉ mua nước, mua dừa. Bi bô chúc mừng năm mới mà chả hiểu gì.

Trời tối xầm. Con đường đồi núi quanh co chóng mặt. Thấp thoáng những biển báo lạ hoắc không thấy ở đâu. Thay vì biển báo thú rừng là vẽ hươu nai có sừng, thì hình vẽ là voi. Có thể đoạn này có voi, voi rừng hoang dã, và voi hay ra đường...

Có cảm giác đi giữa rừng đại ngàn. Lạnh lưng. Voi mà kéo ra cả đàn, nằm lăn trên đường thì không biết làm thế nào. Ngày xưa, Yersin từ Nha Trang trên đường tìm ra Đà Lạt cũng từng bị những đàn voi cản đường như thế. Có lúc tưởng như đã bị voi “xúc” tan thây rồi.

Đến Koh Kong khoảng 9h tối.

Đó là một thị trấn có vài con đường ven bờ sông Mekong rộng thênh thang, mát rượi. Ở đó có một cây cầu dài bắc qua sông: Về sau mới biết, cây cầu này do tư nhân xây. Thu tiền.


Trạm thu bên kia sông, nhưng ai leo lên cầu nó cũng biết, tính tiền liền.


Tối ấy ở Koh Kong nhiều chuyện bất thường. Trước hết là không làm sao kiếm được chỗ ngủ. Khách sạn đầy, nhưng từ ngoài đường vào trong hẻm, từ trung tâm tới rìa xa, chỗ nào cũng treo bảng, lắc đầu: hết phòng.

Kinh thật, nơi đèo heo hút gió, biên giới tận cùng tây nam Campuchia mà cũng vậy. Người ta bảo tại Tết. Dịp ngày, hàng đoàn xe chạy từ Phnom Penh xuống, nghỉ ngơi, chơi bài, chui vào các casino sát biên giới. Họ điện thoại đặt kín phòng, và theo thói quen rất quốc tế là điện thoại đặt phòng trước khi tới.

Kiếm một xe ôm để nhờ kiếm phòng. Tay này hăng hái chạy đi chạy lại, dẫn tới một cái phòng kín mít, trong ngõ xó xỉnh. 25 USD, một giường, bẩn thỉu. Phòng ngộp kinh khủng, nhưng nếu không vào, sợ cũng lại hết.

Vào, vừa đặt đồ xuống, chủ nhà hớt hải bảo phải ra. Vì phòng đã có người đặt rồi. Chưa kịp cả rửa mặt, lại xách đồ ra.

Lòng vòng đi mấy chỗ khác, cũng vậy. Đói, bực, kéo nhau ra bờ sông Mekong kiếm cái gì ăn đã, mọi chuyện tính sau. Tay xe ôm cũng ra tận bờ sông, quyết xin bằng được tiền cò, dù không được việc.

Chạy 600 km trong ngày đầu tiên, tới bờ sông này thấy mát quá, gió hiu hiu ... Còn bao nhiêu bánh chưng, bánh tét, củ kiệu mang ra xơi, bày trên mấy cái ghế của một chiếc xe bán hàng đêm. Mua cho bà chủ ít đồ, cốt là có chỗ ngồi.

Mắt díp lại, tính chuyện ngủ béng luôn trên cái ghế nhựa này. Bà chủ OK.

Đêm. Có tiếng léo nhéo. Những người bán hàng rong chào nhau, hỏi han nhau. Một ông cao lớn, mặt đen lân la đến. 

Hoá ra đó là chồng của bà chủ. Ông này nói tiếng Việt, lơ lớ và chậm hiểu. Ông ấy là công an bảo vệ trong cái ngân hàng bên kia đường, ra giúp vợ dọn hàng.

Chuyện nọ xọ chuyện kia, nhờ kiếm chỗ ngủ. Mất công, vì cha này cứ như thằng không hiểu gì. Cái cha ấy giúp được nhiều nhất là ngoắc một chiếc xe bán bánh mỳ vào, nói mấy người này biết tiếng Việt.

Một cậu trẻ, chừng ngoài 20, người miền Tây, tên Cơ nhanh nhẹn làm quen và xốc vào chuyện. Cô gái trẻ, 19 tuổi, là vợ, tên Yến, bán cho mấy ổ bánh, nhưng một ông chừng ngoài 40 đứng gần đó khăng khăng bảo không lấy tiền. Ông ấy là cha cô gái, tên Hoàng.

Ông Hoàng ý tứ ngấp nghé ở xa, chỉ rón rén ngồi vào bàn khi được mời ăn Tết, bánh chưng, bánh Tét, củ kiệu chính hiệu, vừa mang từ Việt Nam sang.

Cái Tết làm những người Việt xích lại gần nhau, quây quần ngày với hớp rượu, ly bia, những câu chúc mừng năm mới. 

Đó là đêm mồng 2 Tết Canh Dần, 2010, bên dòng Mekong mát rượi ở Koh Kong, biên giới giữa Cam và Thái.

Ông Hoàng bảo con rể xách xe đi kiếm khách sạn, bảo con gái lấy đồ ăn ra góp chung vui. Chuyện rôm ra về quê nhà, về Tết, về Koh Kong…

Cơ về, bảo không thể kiếm được khách sạn. Cũng giống như tay công an Miên nói trước đó, chỉ có một cách duy nhất: đợi đến 2 giờ sáng, các tiệm mát xa hết khách sẽ có phòng cho nghỉ qua đêm, với giá cũng không rẻ.

Thế thì thôi, còn mấy tiếng, ngủ béng bên sông, ngay dưới chân cầu Koh Kong thế này còn sướng hơn, thoáng mát hơn...

Ông Hoàng bảo: hay thôi, về nhà tôi. Chật nhưng cũng đủ chỗ, chỉ cần tắm và đặt lưng.
“Tình cảm đồng bào thôi, có các anh sang chơi là mừng, chả phải tiền nong gì”.

Có tiền bây giờ cũng không kiếm được chỗ ngủ. Nhưng cái tình đồng bào, hồi nào nghe rất “lý thuyết”, đến những lúc như thế này mới thấy ấm thật, rất Việt.

Ông Hoàng và cô con gái về trước chuẩn bị. Anh con rể chạy cái xe bánh mỳ túc tắc kéo mấy anh em luồn lách qua mấy con hẻm nhỏ.

Cái nhà tuyềnh toàng của ông Hoàng được chụp vào sáng hôm sau thế này

 

Cả nhà dồn vào một phòng, nhường gối, chăn, quạt … cho khách.

Bà chủ, vợ ông Hoàng, đứa con trai út chừng hơn chục tuổi và hai vợ chồng cô con gái lớn dồn vào một phòng bé xíu.

Khách và ông chủ nằm trên sàn phòng khách kiêm nhà để xe. Một cái tủ kính để đủ thử bụi mù, cả cái đĩa đựng tiền vừa bán hàng về nữa. Trên nóc là ảnh thờ ông bà.

Chỉ kịp thay nhau tắm, rồi lăn ra ngủ. Ba khách với ông chủ vừa lọt lưng vào gian phòng khách.

Sáng sớm mồng 3 Tết, lách cách cà phê. Rồi vợ chồng Cơ, Yến hì hụi nấu nướng. Tưởng họ chuẩn bị cho bữa ăn cho cả nhà để đi làm.

Nhưng hoá ra đó là bữa ăn sáng mồng 3 Tết đãi khách quê hương: Một nồi lẩu bún hải sản địa phương, cá, mực tươi từ vịnh Thái Lan.


Có lẽ giống như bao bữa ăn khác của gia đình này, đơn giản, nhanh chóng, xuề xoà. Mọi thứ bày ra sàn, nơi vừa là giường tối qua, hỉ hả thật tình.

Cái khác có lẽ là không khí ngày Tết được tái hiện, với những câu chuyện làm ăn, chuyện quê hương, chuyện người Việt sống ở vùng biên giới heo hút này.

Tết, không phải cao lương mỹ vị, mà là những câu chuyện họp mặt, tâm tình. Không chỉ là họp mặt người thân, gia đình, mà còn là với đồng bào, giữa những người Việt ở khắp nơi trên trái đất.


Chặng: Phnom Penh - Pattaya- Bangkok- Poipet- Kompong Chnang- Bavet- Mộc Bài - Sài Gòn.

1 nhận xét:

  1. Tuyệt! tớ đọc phóng sự của cậu chăm chú hơn đọc báo ND....

    Trả lờiXóa