Ghi lại cung đường để bác Còi To thay thế gps đã no nước biển và để bác nào máu thì hôm nào lại đi)
Một số đoạn vẫn còn tiếc chưa đi hết + 4 người, bốn xe. 4 ngày, 4 đêm, tổng cộng gần 1400 km, đoạn đi cặp bờ tây (một số đoạn đá chân trái là sang Cam), đoạn về cặp bờ đông (đá chân trái là xuống biển).
+ xiền: không kể xăng, ăn ngủ thôi mỗi người đóng 500k. Về thấy lõm hơn 100k, bác Tuấn bao luôn (thanks bác nhe). Rẻ là vì chỉ có 1 đêm phải trả tiền phòng còn 3 đêm được miễn phí lại còn được bao nhậu. Nếu chỉ ăn cơm uống nước thì chả hết là bao, hết xiền là tại nhậu quá đà.
+ Đã lên rừng xuống biển, lại còn được lên đồn xuống phủ. Trừ những lúc được đón tiếp hoành cbn cháng, một số lúc bơ vơ, không biết đi về đâu giữa rừng hoang vắng lạnh lùng, lại còn bị chứng kiến những pha chém giết không ghê tay.
+ Không cần kế hoạch, cung quéo giề, lúc dắt xe ra đi không ai hẹn ngày về (thật). Tinh thần là đi được đến đâu thì đi, nếu qua được thì sẽ thừa thắng xông lên, ra đến mốc 0 đường 14C tại Tân Kỳ (Nghệ An) luôn.
+ Di chuyển theo đúng đội hình vạch sẵn về vị trí và khoảng cách, với tốc độ cao, vượt gấp đôi thời gian dự tính. Cả 4 người đều té xe, nhưng chỉ có mình em hít đất. Cả 4 xe đều có vấn đề, nhưng chỉ mỗi xe bác Còi To không tốn tiền sửa.
+ Tinh thần và khí thế: Do đã chạy nhiều với các đội xe, nên chuyến này có thể thấy rõ để so sánh: nó kết hợp được tính tự do và chia sẻ của Phượt, tính kỷ luật của Hoàng Tử Đen, tính tổ chức của Yamaha và với tốc độ, sức dướn của Cào Cào.
+ Ngày 1: Sài Gòn – Thủ Dầu Một (rẽ trái vào quê bác 6 Phong, tức chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) – Dầu Tiếng – Dương Minh Châu – Tân Châu, quẹo sang đường 793, quẹo vào 792 vào khu TW cục miền Nam.
Lộn ngược lại 15 km, ra đường 785 đi Kà Tum, rẽ trái sang đường 794 ra Bình Long (trở lại quốc lộ 13).
Qua Tà Thiết (căn cứ cách mạng, nơi phát lệnh chiến dịch HCM) chạy lên Lộc Ninh (thủ đô cách mạng miền Nam, nơi trao trả tù binh.
Lộc Ninh cũng là điểm cuối của đường HCM.
Từ Lộc Ninh đi đường 748 qua Bù Đốp. Từ đây rẽ phải đi 749 qua Phước Bình, nhập vào đường 741 (huyền thoại ) đi Thác Mơ. Dân địa phương bắt đầu trố mắt khi được mấy ông mãnh hỏi thăm đường đi Bù Gia Mập vào lúc nắng đã xuống.
Từ Thác Mơ đi 741 qua Đắc U, Đắc Ơ rồi đến Bù Gia Mập. Đó là khu dân cư cuối cùng trước cửa rừng quốc gia Bù Gia Mập.
+ Ngày 2: Xuyên rừng Bù Gia Mập ra Quảng Trực, cặp theo biên giới bằng đường 14 C, qua Đội Cao su, ngã ba Thuận Hạnh, ra Đắc Mil.
Vì biên phòng không cho đi tiếp, nên về Buôn Ma Thuột bằng đường 14.
+ Ngày 3: Từ Buôn Ma Thuột đi QL 26 (hướng về Nha Trang), nhưng đến Phước An lại quẹo phải qua đường 689 đi Krông Bông rồi qua 692 nhập QL 27 tại Lak.
Kéo xuống Đinh Văn, nhưng không ra Đức Trọng mà quẹo phải, loàng ngoằng đi đường tắt không tên ra QL 20.
Quẹo phải một đoạn ngắn đến ngã ba Ninh Gia, cách Đức Trọng chừng 30 km.
Từ ngã ba này đi thuỷ điện Đại Ninh (nơi 9 người Nga và 1 người Việt vừa thiệt mạng). Đường này trên bản đồ đường bộ không thấy, nhưng trên bản đồ to in năm 2007 có 1 vạch đỏ nhỏ xíu, không tên, không số, song song với QL 28.
Con đường này, với 20-30 km cuối đường xấu, băng qua sông Lũy, ra QL 1, cách ngã ba Lương Sơn vài trăm mét.
Từ Lương Sơn đi 47 km về Mũi Né.
+ Ngày 4: Từ Mũi Né về Phan Thiết bằng đường mới toe, mỗi bên 3 làm xe, giống đường ở…Arab, thênh thang vòng qua các đồi cát. Đường còn chưa lắp đèn, sơn vôi, các cột cây số mới sơn trắng, chưa ghi tên và số, một số đoạn còn đang tráng nhựa. Đường này đã làm đến km 7 cách Phan Thiết.
Từ Phan Thiết cặp bờ đông sát biển, đường 712 qua mũi Kê Gà rồi 709 về La Gi . Chạy tiếp QL 55 về Bình Châu.
Từ đây có một con đường cũng mới toe, chưa có trên bản đồ, nhưng cột cây số ghi là đường 719, qua Hồ Cốc, Hồ Tràm về Long Hải (lúc nào cũng phải nhìn thấy biển ở bên trái, chứ không phải QL 55 về Long Điền).
Từ Long Hải không cần ngược về Bà Rịa như mọi khi, vì có một con đường mới cũng toe và một cây cầu mới hoành cháng bắc qua eo biển Tân Phước sang Vũng Tầu, nhập ngay vào đường 3-2 chạy ra Bãi Sau.
+ Ngày 5: Vũng Tầu – Sài Gòn, QL 51- QL1
Vài hình ảnh bác Còi To trong chuyến đi Đông Nam Bộ và Tây Nguyên:
Bữa sáng đầu tiên tại Thủ Dầu Một:
Trong điều kiện đường như thế này, có thể chạy tốc độ cao:
Nhìn xuống đồng hồ, giật mình thấy kim chỉ 110 km/h. Nhìn xuống lần nữa thấy kịch kim, 120. Rồi kim vượt nữa, tụt lõ hết cỡ và đứt cái toạch.
Lúc nghỉ này, bác Còi To bảo: em chỉ chạy có 60!:
Hehe, đồng hồ của bác ý không đo theo “ký-lô-mếch” mà theo “mai”.
Băng qua những cánh rừng cao su mát mẻ:
(về sau phải trả giá vì vừa chạy nhanh vừa chụp ảnh một tay này)
Bác Còi To lần đầu vào Nam, ngắm nghía cây cao su:
Vùng này là nơi chiến tranh từng diễn ra ác liệt. Những ông già tuổi này đi qua chiến tranh với đôi chân cụt, nay bán vé số trong rừng vắng vẻ:
Quắc thước nhưng vẫn vui vẻ, tính cách người miền Nam:
Cặp bên trái hồ Dầu Tiếng:
Vào chiến khu TW cục miền Nam:
Trong lúc mọi người tra cứu đường:
Thì bác Còi To từ lán TW cục oánh giây thép báo cáo live với TW:
Ăn trưa ở Kà Tum, ngã ba vào đồn biên phòng, cách biên giới Cam vài trăm mét:
Ai cũng biết cầu Sài Gòn ở ngã tư Hàng Xanh, cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Nhưng còn có một cây cầu khác cũng mang tên cầu Sài Gòn, trên rừng, ranh giới giữa Tây Ninh và Bình Phước, bắc qua đầu nguồn sông Sài Gòn:
Lộc Ninh. Dưới gốc cây đa này có tấm biển bằng đá đánh dấu đoạn cuối của đường HCM:
Ở đó cũng có ngôi nhà từng là trụ sở của MTDTGP, cũng là nơi tiếp các đại sứ nước ngoài:
Nhưng em nhớ là ngày xưa nó bằng gỗ, rất sơ sài. Nay thì kiểu dáng vẫn vậy, nhưng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Ba ngày trước đó (7-4), Lộc Ninh kỷ niệm ngày giải phóng (năm 1972, vùng giải phóng đầu tiên, lấy làm căn cứ chính thức).
Nay có mốc ghi lại:
Và cả một tượng đài kỷ niệm nữa:
Bù Gia Mập là khu rừng quốc gia hoang sơ thuộc tỉnh Bình Phước, sát với biên giới Cam, nơi bắt đầu cong phía đuôi chữ S trên đất Việt.
- Bù Gia Mập? Các anh không đi được đâu! Đường khó lắm, mà không có đường nữa. Chỉ có xe be đi thôi– Những ánh mắt ngạc nhiên và nghi ngờ của người địa phương ở tít bên ngoài Bù Đốp đã cảnh báo như vậy.
Xe đi rồi, ngoái lại vẫn thấy những ánh mắt tiễn đưa e ngại và thương hại nữa.
Đến cửa rừng, gặp mấy bác nói lơ lớ tiếng Kinh:
- Xuyên qua rừng? Khó lắm à, tụi tôi cũng không đi đâu, chỉ đến đây rồi quay ra thôi. Ở trong ấy không có cái gì hết.
- Đi! – Em nghe tiếng bác Minh LA với bác Còi To quả quyết. Quay lại nhìn, thấy gương mặt hồ hởi. Nói xong, ba bác phắn luôn, trong khi em còn đang nói chuyện với bác địa phương này.
- Không có chỗ ngủ đâu- bác này nói- (trong đầu em nghĩ chả cần chỗ ngủ, dù không mang theo lều chõng), không có cái ăn đâu (ồi, chả cần ăn), không có xăng đâu…
Nghe đến đây mới thấy sợ. Em hỏi ở đây có xăng không? Bác này khoát tay chỉ vào mấy nóc nhà tuốt ngã ba quẹo phải, qua mấy quả đồi.
Thế là em la om sòm để kêu mọi người lại, chí ít cũng phải đổ xăng. Nhưng chả ai nghe thấy, cứ vun vút lao vào rừng tối om. Đành phải chạy theo, cốt để níu lại.
Được chừng cây số, gặp một cái ngã ba, mỗi người đi một ngả.
Chạy theo gọi lại để tập trung đi theo một hướng, quẹo trái thì gặp con dốc cao và cái cầu này:
Hết đường, phải quẹo ra:
Đang loay hoay thì gặp lại bác địa phương lúc này tò tò chạy vào:
- Trong này làm gì có đường, đường này đi lên rẫy thôi à, phải quay lại ngã ba rồi chạy thẳng…
Nhưng cái chỗ ấy là trạm gác rừng, người ta không cho qua. Trời trong rừng xầm tối. Thôi, quay lại thị trấn Bù Gia Mập, tìm chỗ đổ xăng và qua đêm vậy.
Đó là khu dân cư cuối cùng, như một ngõ cụt. Người ta vào đấy rồi đi ra, không ai đi xuyên rừng để sang Đắc Nông cả.
Thị trấn Bù Gia Mập (những ảnh dưới đây đều chụp vào sáng hôm sau, vì lúc đến trời đã tối) là một cái ngã ba có chợ, dăm nóc nhà, 1 cây xăng và 2 quán nhậu.
Mua bán cũng chẳng cần vào chợ, ngay đường cho tiện:
Các cơ quan hành chính nằm giữa ngã ba cùng với cái đài liệt sĩ.
Khu nhà uỷ ban:
Không có nhà nghỉ, khách sạn nào. Có chợ thì có cái ăn rồi, nhưng ngủ vào đâu đây?
Chắc chỉ có 3 nơi có thể chứa chấp: Biên phòng, uỷ ban, kiểm lâm. Trên rừng, chắc kiểm lâm là oách, nên đi tìm kiểm lâm.
Mò tới trụ sở hạt kiểm lâm ở cuối đường, có cổng to và chòi bảo vệ gác cổng.
Mò tới trụ sở hạt kiểm lâm ở cuối đường, có cổng to và chòi bảo vệ gác cổng.
Nhân viên đang đánh séc bóng chuyền cuối cùng trong ánh sáng nhập nhoạng. Rón rén vào phòng bảo vệ, một người gầy, đen, gương mặt căng thẳng ngồi khoòng lưng trong đó, hỏi chả buồn ngước lên.
Rồi anh ta nói ú ớ cái gì đó, nửa tiếng dân tộc, có lẽ có chút tiếng Kinh, nhưng không hiểu là nói gì.
Thất vọng. Quay ra cổng, gặp một thanh niên mặc áo trắng, quần tây, xem chừng có thể hỏi được.
- Anh là kiểm lâm à?
- Không, em đến xin thằng em bị bắt ở đây thôi. Nó bị nhốt trong đó… Ở đây không có nhà nghỉ nào đâu, muốn thì phải quay lại Đắc Ơ, cách đây 10 cây…
Đã đến nước này, thì đành liều mình xông vào trụ sở, hỏi đại, mất gì của bọ.
Câu trả lời cũng thế, nhưng biết được thêm thông tin: muốn đi xuyên rừng phải có giấy của kiểm lâm, không thì sẽ bị chặn, mà có đến 10 trạm quanh rừng này, không thể qua nổi. Đi đường thẳng, cũng có 3 trạm gác rừng, không thể qua.
- Các anh cứ đi nghỉ ở đâu đi, rồi sáng mai đến đây xin giấy vào rừng.
Tèo, nhưng cũng là một mối thông tin tốt, chí ít cũng biết chỗ để xin giấy.
Nhưng nghỉ ở đâu? Vô phương. Mọi người đã nổ máy xe và chuyển bánh…
Em còn nấn ná ở lai tán phét, thôi thì đằng nào cũng thế, tán phét cho vui vậy, nhất là khi thấy cả chục bác kiểm lâm đã vây quanh, hỏi han về một cái sự lạ là tại sao đường quang không đi lại cứ thích đâm đầu vào rừng…
Trong tích tắc, một gợi ý xa xôi, nhưng em đánh hơi được cái sự giúp đỡ đằng sau đó. Em đề nghị xin được gặp bác hạt trưởng…
- Các anh cứ ra trình công an đi, rồi cầm cái giấy ấy vào đây, chứ không chúng tôi cũng chẳng biết các anh là ai, có muốn giúp cũng không được.
Nghĩ bụng, có ra trình công an, họ cũng chả biết mình là ai. Nhưng chả còn cách nào.
- Công an về nhà rồi – Một nhóm thanh niên dân tộc, ngồi hỏi mãi mới nói được mấy câu, đứng ngồi đầy cổng ủy ban, cũng là trụ sở công an xã. Họ lại còn nhìn chòng chọc, đầy cảnh giác, rồi kéo cái cổng sắt lại như đề phòng.
Lại phải giở bài dân vận, lân la. Ba bác kia đứng ngoài đường, em cởi hết đồ ngoài ra cho họ thấy và tin là không có vũ khí, xin vào bên trong đàm phán, nhân họ phải mở cổng cho một chiếc xe tải chở gạch vào trong sân.
Đám thanh niên dân tộc nói với nhau líu lo gì đó rồi cử hai người áp sát dắt em vào trong. Băng qua sân, một bác gày gò đang chỉ huy cho xe tải và một đám thợ xuống gạch. Xem tư thế và dáng vẻ điều quân khiển tướng, thì đóan bác này là quan to, em bèn bắt vô trình bày…
- Công an hả, về rồi… May quá bác ý kèo thêm: nhưng ra phòng kia đợi.
Hai thanh niên dân tộc (sau này mới biết cả nhóm thanh niên ấy là dân quân, đi dân quân tại chỗ khỏi đi bộ đội theo luật mới) bàn với nhau điều gì đó rồi bàn với ông chỉ huy, sau này mới biết tên là Công. Rồi họ bảo, cứ đi ăn cơm đi, trong khi đợi công an về đến.
Chả biết họ gọi điện bàn bạc thế nào, ra đến nửa sân rồi, một thanh niên dắt chiếc xe máy ra, chỉ em ngồi lên đằng sau, chạy vút đi, chỉ kịp ngoái nói anh em cứ chờ ở đó.
Tối mò thế này, chả biết nó chở mình đi đâu nữa, một thân phải phòng bị gậy. Đó là em tự nhủ. Giả bộ ôm nó xem nó có lận hàng gì không.
Ôm thấy kinh, người nó săn chắc như con nai, sờ lại người mình nhũ như bún. Chợt nghĩ, nó cho mình một quả tọi thì toi tức thì.
Lại còn ráng hỏi han, nói chuyện bi bô để phân tán khả năng tập trung của hắn, nếu hắn có âm miu xấu.
Nhưng cái gã này, người Stiêng, lầm lỳ chả nói gì. Gã tập trung chuyên môn, lái đâm sầm vào một toà biệt thự rộng thênh thang, đá hoa sáng loáng, cái sân rộng đậu một chiếc xe hơi oách xà lách.
- Cô ơi cô – gã gọi lơ lớ – rồi xộc thẳng xuống bếp theo một cái hành lang dài. Trình bày gì đó, rồi ra cùng một người đàn bà phốp pháp, trắng đẹp của tuổi trung niên.
Em trình bày hoàn cảnh. Bà ấy nghe có vẻ chăm chú và ra điều thông cảm, rồi buông:
- À là mấy anh đi mô tô đấy hả. Chiều nay chúng tôi thấy rồi, trong rừng (em thầm phục tai mắt nhân dân kinh thật).
Rồi bà ấy rút phắt điện thoại, gọi cho con trai (đoán là công an), nói về kiểm tra giấy tờ mấy “đương sự” này và (câu quan trọng nhất nghe được) “bố trí cho họ ở đâu đó”.
Xong, bà ấy bảo chở em về ủy ban, chờ.
Thôi thì đành đi ăn, trong lúc chờ, và rủ cả cái ông Công đi.
Bia bọt bày ra, làm vài tuần với heo rừng (thơm ngon) và mấy cái món gì đó nữa. Ông Công tỏ ra thân thiện, gọi điện ý ới, gọi một bác sĩ quan biên phòng và công an xã ra quán mục sở thị mấy “đương sự” lạ có phải kẻ gian không.
Bác Công này, chả ai bảo, cứ tự nhiên hăng hái giới thiệu đi giới thiệu lại: đoàn này là “toàn các bác cán bộ cách mạng về hưu, đi du lịch thăm chiến trường xưa” .
Chắc là bác ý thấy mấy tay “phi công già thích lái máy bay bà trẻ” này thấy cũng có nét đứng đắn oai phong, nên bổ cho cái chức ấy.
Hỏi han được dăm câu, biết mặt hàng rồi, bác biên phòng cười tươi cáo lui, lấy cớ đau bụng không nhậu được. Bác công an xã còn nán lại, bộ mặt khó đăm đăm giãn dần, xuống giọng tử tế, lại có vẻ thán phục mấy “cán bộ cách mạng về hưu đi thăm chiến trường xưa”.
Chưa bao giờ được tham dự vào một sự kiện live đến thế, nên cả đoàn giật mình khi đang ăn, tự nhiên dân chúng xông vào quán ào ào như sôi.
Thị trấn vắng vẻ, bỗng dưng người ngợm ở đâu kéo ra đông đến thế, lại lao vào đúng cái quán này, ồn ào, nhớn nhác. Giật mình, nghĩ mình thất thố điều gì khiến cả làng kéo ra, phen này chắc chết.
Nhưng hóa ra họ chả để ý gì đến mấy ông “cán bộ cách mạng” này mà nhảy bổ vào, xúm xít quanh cái tivi kê bên trong. TV được mở hết cỡ âm thanh. Dân chúng lắng nghe rồi òa lên ban tán inh ỏi.
Thị trấn Bù Gia Mập lên tivi tỉnh Bình Phước! Chuyện của thị trấn heo hút này nổi sóng như một cơn chấn động. Xem TV mới phục các bác nhà đài.
Chuyện chỉ vừa xảy ra lúc chiều, trước khi đoàn xe máy này tới vài tiếng đồng hồ, mà nhà đài có phóng sự trực tiếp từ mấy đầu cầu, từ trạm cửa rừng tới bệnh viện huyện…
Chuyện chỉ vừa xảy ra lúc chiều, trước khi đoàn xe máy này tới vài tiếng đồng hồ, mà nhà đài có phóng sự trực tiếp từ mấy đầu cầu, từ trạm cửa rừng tới bệnh viện huyện…
Một nhóm thanh niên dân tộc vác rìu vào trạm kiểm lâm chém lìa tay một bác kiểm lâm. Máu me toe toét, lầy nhầy. Cánh tay tái ngắt được giữ định vị, bác sĩ hối hả cố nối cánh tay…
Các nhân chứng lên TV phát biểu toàn là dân ngồi chung quanh. Cái bác công an xã đang ngồi nhậu cùng bàn để kiểm tra các đương sự mới tới, cũng xuất hiện trên TV nói năng gì đó.
Dân chúng hô hoán, chỉ chỏ, gọi tên người nọ người kia đang ở trên TV. Bác công an xã, nhanh chóng rời bàn nhậu cùng bọn em, quay về trụ sở.
Tất cả diễn ra chớp nhoáng, chưa kịp hiểu ra mô tê. Thẻo nào, người ta nhìn người lạ mới đến với ánh mắt cảnh giác mang hình viên đạn.
Điều yên tâm nhất, là họ bắt được mấy tay chém giết, là người dân tộc ở địa phương. Vì vậy, mấy tay đi xe máy lên, đúng là “cán bộ cách mạng” chứ không phải đồng bọn lên tiếp cứu hay trả thù cho đám vừa bị bắt. Thở phào!
Bác Công đang cơn hứng trò chuyện, bỗng nhận điện thoại cấp trên về khẩn đi công tác gấp trong đêm. Chia tay, hẹn mai gặp lại.
Nhưng bác ấy đi chừng nửa tiếng đã quay lại nhậu tiếp. Lần này xuất hiện trong cảnh phục trung úy kiểm lâm. Hehe, bác ý bảo, bắt được xe trâu lâm tặc chở gỗ ở đâu đó, chị Hai bảo dẫn quân lên đường ngay. Chuẩn bị đâu đó rồi, sắp đi thị chị Hai lại bảo không phải đi nữa, lại quay ra nhậu tiếp.
Chị Hai là người quyền lực nhất xã lúc này. Đó chính là người phụ nữ phốp pháp lúc tối em được chở vào tận nhà để trình bày.
Rồi chị Hai cũng xuất hiện, đi vòng quanh bàn nhậu, hỏi chuyện các “cán bộ cách mạng về hưu”. Nhưng quả thật lúc ấy không nhận ra chị Hai nữa.
Sang quán chơi với chòm xóm, không có dáng vẻ oai phong như lúc trong toà biệt thự, lại càng không thét ra lửa như lúc chỉ huy trận đánh lâm tặc trong đêm tại trụ sở ủy ban.
Bữa nhậu nghie giải lao, để bác Minh La đi gặp bác hạt trưởng kiểm lâm, trong lúc bác Còi To được cử đi nộp giấy tờ và chăm sóc cho các dân quân đang trông xe (biếu một đĩa mồi và 20k để các bác dân quân uống rượu).
Kết quả là công an cho giấy đã trình báo, và kiểm lâm cho ngủ nhờ. Sáng ra, xin nộp tiền, nhưng các bác ý không nhận, đành biếu mấy gói ba số cho nó tình cảm.
Anh em kiểm lâm là những người rất tình cảm như bộ đội biên phòng vậy. Nhưng họ cũng rất nguyên tắc theo lệnh trên.
Sáng ra, khề khà trà thuốc xong, xin bác Hoàng, Hạt trưởng cái giấy đi xuyên rừng. Bác ý viết tay, ký và đóng triện đỏ cái cụp. Cả đoàn ra chợ ăn bát cháo lòng, café, bác Còi To đánh dây thép từ chợ Bù Gia Mập…
Không biết điềm gì đang báo, nhưng cả đoàn nhìn lại các bánh xe của mình và nhìn bánh xe của người địa phương:
Họ phải quấn xích như thế mới chạy nổi ven rừng này.
Chậc, thôi thì cứ dắt díu nhau phi vào rừng.
Tới ngay chỗ ngã ba chiều qua lạc, lại gặp xe bác Hoàng trờ tới.
Hóa ra bác ý là trung tá kiểm lâm, to, vì cục trưởng to nhất cũng chỉ hàm đại tá.
Bác ý đang đi kiểm tra và chỉ đạo giải quyết cái vụ nhân viên bị chém chiều qua.
Sau này mới biết, khi xảy ra chuyện, bác ý điều khẩn chiếc xe hơi này vác nạn nhân chạy hộc tốc về tỉnh mới hy vọng nối lại cánh tay.
Con đường vào rừng có chim kêu vượn hót và tiếng người chỉ là khúc khích của đôi trẻ này. Có lẽ chúng còn xa lạ với máy ảnh:
Đi một đoạn, gặp trạm gác số 1.
Vẻ mặt căng thẳng và cảnh giác của hai bác nhân viên kiểm lâm làm đoàn thoáng lo ngại. Nhưng yên tâm có bảo bối trong người, lại chỉ vừa gặp người ký giấy ở cửa rửng, nên có gì địện thoại quay lại được.
Xem giấy, các bác này vui ngay. Và họ kể: Vụ chém tay vừa xảy ra chiều hôm trước, là ở chính chỗ này, chính cái cửa buồng này và máu cũng chỉ vừa được lau.
Cứ xem trên TV tối qua mà tưởng tượng sự kinh hãi. Ngay cái cửa buồng này là cả vũng máu đông nhầy nhụa.
Nạn nhân là một kiểm lâm trẻ, vừa chuyển đến làm việc tại trạm này chừng một tuần.
Chiều qua, một nhóm thanh niên đến hỏi rượu xin nhậu. Kiểm lâm từ chối vì cho rằng chúng đã xỉn, chỉ quậy thôi. Đám này về, sau khi ném lại lời dọa sẽ quay lại quậy.
Tưởng chúng chỉ nói thế thôi, nên dù có súng, kiểm lâm cũng không đề phòng khi chúng quay lại.
Chẳng nói chẳng rằng, chúng vác rìu ra chém đại rồi bỏ chạy.
Có giấy nên đi qua dễ dàng. Nhưng lòng nặng trĩu nghĩ đến cảnh mấy bác kiểm lâm.
Phía trước còn 2 trạm gác nữa, cách nhau 15 km, nghe nói còn nhiều khó khăn…
40 km xuyên rừng Bù Gia Mập, chạy suýt soát 4 tiếng, tốc độ trung bình 10 km/h, tức nhanh gấp đôi người đi bộ và chậm gấp đôi xe đạp.
Chỉ trong khoảng cách không xa ấy, cảnh quan thay đổi liên tục và đột ngột. Đầu tiên là rừng tre xanh mát mẻ:
Rồi đến rừng tre khô đốm nắng, dù tre nào cũng là tre:
.
Chạy khúc này cực thích, mọi người xí xớn bỏ nón bảo hiểm ra cho nó mát, cọ sát với thiên nhiên.
Đến những con đường bùn lầy:
Và đầy các loại ổ nai, trâu nước, cho dù đang là mùa khô:
Chả biết loại cây gì và cũng chả có thời gian ngắm. Thi thoảng phải lách né không thì cây rừng quất vào mặt. Những con đường sống trâu, nghiêng xe thì không thò chân chống được:
Lại có những khúc mặt đường rắn đanh, chỉ một lõm xe qua, hai bên là rêu xanh rờn.
Em bị té dập mặt ở khúc này, can tội chạy một tay, vừa chạy xe vừa chụp ảnh. Những người cứu hộ vừa dựng cái xe lên, dỡ cái giò em bị xe đè, nguẩy đít đi:
Thoát ra khỏi một cánh rừng, có đồi núi quang đãng. Phù, nghỉ chút và hớn hở tưởng là sẽ được vu vi từ đây:
Hóa ra, đó chỉ là cảm giác lạc quan tếu.
Những đoạn khó nhất còn đang chờ ở phía trước…
Sau khi em té xe và cả đoàn tiến vào một chặng khó, ai cũng vội đội nón bảo hiểm vào cho chắc ăn và không khí trở nên căng thẳng.
Không phải chỉ là lo té xe (dù cả 4 người, rốt cuộc ít nhiều đều bị té trong rừng), mà đường trở nên khó khăn hơn nhiều. Đá xanh vì rêu lổn nhổn, bùn trơn trượt, cua gấp. lại lên xuống thất thường, mất trớn, liên tục phải đi số 1.
Tầm nhìn xa rất kém, tối thui do cây rừng che phủ, sương đọng từ ngày này qua tháng khác làm đường rất trơn và bị che lấp bởi cả lớp lá rừng bốc mùi ẩm thấp. Sương đọng trên lá mục lấp lánh sáng như ma trơi, nhưng luôn phải đoán dưới lớp lá ấy là đường gì, hố, hay lá sẽ trượt với lá…
Mấy bác rụng rời tay và đầu vì luôn phải căng ra hết cỡ. Đi hết quãng đường này, xe em ngốn 80K tiền xăng và xe bác Còi To ngốn 110k. Máy móc bắt đầu gù gừ, nóng khét…
Bác nào từng biết bác Tuấn chạy xe liều lĩnh cỡ nào, nay một số đoạn phải xuống dắt bộ thì biết rồi đấy, trông ảnh thì thấy đường cũng có vẻ bình thường, ngồi lên mới thấy lúc nào nó cũng chực đưa đít ra đằng trước.
Bác Còi To bị 2-3 phát như thế. Lún trong vũng bùn, càng cựa quậy càng thất vọng. Cho đến khi con Rebel của bác ý xoay ngang ra, nằm vật ăn vạ thì bác ý mới tin và cẩn thận hơn. Vừa rồ máy toé khói, vừa phải hai người hò dô vang trời kéo ỵ ra mới lên nổi.
Cái ảnh này là chụp lúc bác Còi To đã ngồi được yên vị trên xe rồi. Trước đó, xe bác ý nằm lăn quay ngang ra. Can tội đường thẳng không đi, bỗng dưng lại muốn quẹo.
Con LA của bác Minh La cũng văng đít ra đằng trước, quay ngang húc đầu vào bụi rậm. Bánh xe pa-ti-nê xoay tít với khói. Xe càng to, vào rừng càng cực, khó xoay trở và một người đỡ không nổi.
Đúng ra là phải chụp phát rồi mới cứu. Cơ mà thấy các ánh mắt ngước nhìn từ dưới đất lên thấy tội làm sao. Lại còn cố loay hoay để tự xoay xở nữa.
Em được phân công đi chốt để hốt xác, nên không còn ai khác để kẻ cứu người chụp.
Những đoạn đường khó nhất không có cái ảnh nào, vì ai nấy nín thở tập trung chuyên môn chạy xe cho chắc. Không ai nói năng câu nào, chỉ nghe tiếng rú mệt nhọc của những con xe trườn, bò, cố gắng lăn đi từng bước một.
Cuối cùng cũng ra đến Quảng Trực, “phố” dân cư đầu tiên. Việc đầu tiên là thay cả săm lẫn lốp cho xe bác Tuấn, người phải lết với nó 23 km trong tình trạng hết hơi.
May mà ở đó cũng có đủ lọai vỏ, ruột:
Và cả cô chủ quán hấp háy nữa:
Và ở đó mọi người mới có dịp sờ nắn lại chính mình. Bác Minh La đi giầy da cao cổ kín mịt, bỏ ra một chút cho nó hả hơi, tự dưng thấy đầm đìa máu:
Hai con vắt đã chén bác ý no nê, béo mộng từ lúc nào.
Em hỏi: Cảm giác bị vắt cắn thế nào? Bác ý bảo: hơi nhồn nhột.
Bỗng dưng em cũng thấy hơi nhồn nhột ở… nhiều nơi.
Mọi người cười phá, tưởng là nói phét.
Nhưng mấy ngày sau, khi về đến SG rồi, đem quần áo, giày dép cho vào máy giặt quay đã đời, rũ ra còn thấy 2 chú nữa, cũng béo như trâu mộng
Gắp cho vào bồn cầu, xả hoá chất, đứng nhìn nó ngo nghoe 15 phút vẫn không thấy xi nhê gì.
Bấm nút xả, tưởng tượng nó xuống dưới ấy vẫn như chuột sa chĩnh gạo…
đi phượt thế thích thật, vietnam motorbike tour Loop Bike Tours đã tìm hiểu trong suốt 15 năm để mang đến những cung đường an toàn chất lượng cho du khách
Trả lờiXóa