Trang

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Tam Đảo



Theo điều kiện của bác, nếu bác muốn đi Tam Đảo theo kiểu tập thể và rẻ tiền, theo em bác nên vào chỗ này hợp hơn: Nhà nghỉ Tư Phương, ở trên cao nhất, có tầm nhìn khắp cả thị trấn. Nhà nghỉ này có phòng rộng, cho tập thể.


Nó lại có sân trước, vườn sau, có thể đốt lửa trại vui chơi cả đêm mà không làm ảnh hưởng tới ai.

Ông chủ tên Tư, bà chủ tên Phương, cực nhiệt tình, chu đáo và có văn hoá.

Nhà chủ có thể nấu cơm theo tiêu chuẩn mà bác đặt. Rau thì hái ngoài vườn, mà la rau sạch. Các thứ khác thì tươi. Giá cũng được, ít nhất không phải chặt chém lấy được.

Tụi tây balo đi tập thể rất thích nhà nghỉ này.

Bác có thể liên hệ trước với ông chủ, nếu muốn. ĐT: 098.933.9458
Cảnh từ nhà nghỉ Tư Phương nhìn cả thị trấn Tam Đảo:



Cạnh đó là con đường vòng thúng trên cao nhất.

“Đó là một cái “tủ lạnh” của đồng bằng Bắc Bộ, một vùng núi mát như Đà Lạt ở miền Nam hay Bà Nà gần Đà Nẵng. Thời xưa, người Pháp xây dựng ở đó khu nghỉ dưỡng dành cho quan chức thực dân. Một thời dường như bị lãng quên, Tam Đảo có vẻ đang vươn lên lấy lại vị trí của nó.

Ba chỏm núi vẫn sừng sững như từ thời Sơn Tinh thắng Thủy Tinh, nơi miền xuôi gối đầu vào miền ngược. Ngày xưa, đường lên Tam Đảo dốc ngược và ngoặt nghèo đến lộn ruột. Xe đạp lúc lên đẩy từng bước một, còn lúc xuống phải kéo theo một cái cây khá to mà vẫn vùn vụt lao xuống, dựng tóc gáy.

Đường lên đã dễ dàng hơn rất nhiều, không còn dốc cao thẳng đứng và ngoặt quá gấp nữa. Từ Hà Nội đi đường cao tốc Thăng Long ra Nội Bài, nhìn thấy thấp thoáng máy bay đậu trên sân ga, cũng là lúc tới ngã ba, quẹo trái đi Vĩnh Yên. Đường này nhiều đoạn còn đang làm, đất đá lổm nhổm đo đỏ và bụi mù, với những cây cầu đang được dang dở dựng lên.



(Đến Vĩnh Yên bọn em rẽ vào cái hồ trung tâm này nghỉ ngơi ăn trưa. Ở đó có một cái quán xây bằng gạch trông như chuồng lợn, nhưng cũng được. Cái chính là có phong cảnh thoáng rộng ven hồ)
Vĩnh Yên đã thấp thoáng là một thị xã thủ phủ. Quy hoạch kiểu mới với những con đường rộng thẳng, có hồ rộng, cây xanh và những kiến trúc kiểu phương Tây bên cạnh những con phố cổ rợp bóng cây.


(Kiến trúc Pháp đua nhau mọc lên khắp Vĩnh Yên, như nhớ về thời Tam Đảo là nơi nghỉ ngơi cho quan chức Pháp)

Đó là nơi người ta thường dừng chân trước khi leo 10 km đường núi trên con đường dài 24 km lên Tam Đảo. Đường không xa nên cảnh đổi rất nhanh. Những cánh đồng đất đỏ miền trung du nhanh chóng nhường cho những ngọn đồi xanh mát như đường lên Đà Lạt.



(Lại có cả nhà kiểu Úc nữa chứ. Cứ như là Nhà hát con sò ở Sydney ý, đặt cạnh nhau mà ngắm, đỡ phải đi)

Không còn cái nhà tre lá nứa, lán trại của mấy chú bộ đội mấy chục năm trước đóng ngay đầu con dốc vào thị trấn Tam Đảo. Cái cột cờ tre và cái sân bóng chuyền cũng không còn. Chỗ ấy bây giờ là nơi ngắm cảnh, từ trên cao nhìn xuống toàn cảnh xa mờ giữa làn sương.



Ba chục năm trước, tôi dẫn một đoàn chuyên gia Liên Xô, những khách châu Âu hiếm hoi và được trọng vọng, lên nghỉ Tam Đảo.

Hồi ấy, trên con đường chính từ cổng khu nghỉ mát tới hồ bơi ở cuối đường, là những căn nhà gỗ được coi là sang trọng, dành cho chuyên gia. Mỗi nhà có bốn phòng, kiểu dacha [nhà nghỉ ngoại ô], dựng trên những cái cột gỗ.

Bây giờ không thấy những căn nhà gỗ xinh xinh này nữa, thay vào đó là cả một rừng nhà bê tông choàm oạp, chen đủ kiểu châu Âu lẫn chóp Arabia.



Tôi cố tìm những dấu tích quen cũ, chỉ thấy cây cầu xi măng nhỏ giữa phố, những bậc cầu thang phố núi và thấp thoáng dấu vết của cái bể bơi ngày xưa có nước mát lạnh vì được dẫn từ suối…



Tam Đảo cũng đang trên đà bị bê tông hóa như Đà Lạt. Nhà cửa chen vai thích cánh trong cuộc chạy đua thu hút du khách. Người ta tranh thủ làm nhà to, nhiều phòng.

Cò cưa mãi đến lúc định bỏ đi rồi, chủ một nhà nghỉ vừa được khai trương mới chịu giá 150.000 đồng/đêm cho một phòng tàm tạm, kèm theo cung cách ban ơn

oang oang.

Rồi ông ta chỉ một loạt các khách sạn sang trọng chung quanh và cả những cái đang hối hả xây bên cạnh, giới thiệu cái này là của quan chức tỉnh, cái kia của quan chức ở Hà Nội lên đầu tư, để thanh minh cho giá phòng của ông cũng còn rẻ chán.



Khách lên Tam Đảo, chủ yếu vì phong cảnh và khí hậu mát mẻ của nó. Quanh đồng bằng sông Hồng không kiếm được chỗ nào như thế.

Tam Đảo nay như một chỗ nghỉ cuối tuần của dân Hà Thành. Chạy lên Phúc Yên, Vĩnh Yên ăn nhậu những món miền quê dân dã thời xưa rồi vọt lên Tam Đảo nghỉ ngơi, hít thở, đi chơi rừng, xem thác…



Hơn bốn chục năm trước, bố tôi đưa cả nhà lên Tam Đảo nghỉ vào tháng Tám, cho lũ trẻ xả hơi trước khi vào năm học mới.

Căn nhà gỗ đầu tiên từ cổng vào, được làm câu lạc bộ, một từ ngữ lúc đó còn lạ lẫm. Ở đó, lần đầu trong đời tôi nhìn thấy cái bàn bi-da, một trò chơi nghe nói từ thời Tây mang sang, nhưng không thấy trong đời thường ở Hà Nội thời chiến.

Và cũng lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy một con ba ba chính cống. Nó bò vật vã dưới đất, ở chân mấy cây cột nhà. Gặp thú hoang thời đó là chuyện thường.

Và tôi nghe người lớn loáng thoáng bàn nhau về món giả cầy bằng ba ba, rồi món cà ri ba ba nấu với chuối, đậu thế nào đó.

 Nhưng trẻ con không quan tâm mấy cái món ăn này bằng câu chuyện ấn tượng rằng nếu để ba ba cắn ngón tay thì chỉ có đợi sấm sét nó mới chịu nhả…



… Một chú cò cơm hiền lành và kiên nhẫn bám xe máy cả tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng vợt được chúng tôi vào một quán ăn bình dân khuất trong hẻm.

Lời chào mời của chú cò, sau khi chở xe máy vòng vèo phố núi, hóa ra không đúng.

“Không có thịt rừng, không có ba ba, không có rùa rắn, chỉ có bò, lợn, gà, cá bình thường như ở dưới xuôi thôi”- cô chủ quán, người từ Phú Thọ lên, tuyên bố chắc nịch và giải thích các món thú rừng đều bị cấm.


Thế là đành quên giấc mơ thưởng thức món ngon tuổi thơ. Thời nay đất chận người đông và môi trường đã được bảo vệ hơn, nên không phải cứ lên rừng mà được xơi đồ rừng.

Đành dùng bò, một tô tú ụ, không phải do mình gọi, mà do cô chủ quán cố nhét cho bõ công kiếm được khách. Làm vài miếng rồi vui vẻ tính tiền cho xong, không nỡ trách một người vui vẻ dù đang khao khát tìm hương vị xưa.


Tối đến, trong màn sương nặng chịch, ướt lạnh, những khu giải trí đèn nhấp nháy tỏa khói sương và bốc lên ầm ỹ tiếng xập xình. Disco, karaoke vang vọng vách núi.

Một đoàn du khách tự túc, Pháp có, Nhật có… kéo nhau đến chỗ đặt trước. Đó là căn nhà nghỉ trên cao nhất, cách xa mấy chỗ ồn ào.

Đi hết con đường nhựa vòng thúng độc đạo trên cùng, mới tới nhà nghỉ Tư Phương, ghép tên hai ông bà chủ nhiệt tình chu đáo.

Từ chỗ này, nhìn toàn cảnh được cả Tam Đảo. Căn nhà villa cũ thời Pháp được xây lại, làm theo kiểu hostel [chứ không phải hotel], loại nhà tập thể, với phòng rộng và giường kê san sát.

Nhà có sân, có vườn, lại có cả ngọn đồi thoải phía sau. Có thể uống cà phê đằng trước, đốt lửa trại ở sân sau…tiện cho sinh hoạt tập thể.



Chủ nhà xởi lởi, luôn sẵn lòng nấu cơm cho khách, ăn như ở gia đình người Việt, với rau, gà, thịt đều do nhà trồng được tại vườn, theo công nghệ sạch. Khách tây truyền nhau, căn nhà heo hút trở nên đông đúc.



Du khách tây thời nay không có những ký ức tuổi thơ như tôi, nhưng những gì họ chọn ở Tam Đảo cũng giống tôi.

Lên Tam Đảo để hưởng sự bình yên, đi trong tĩnh lặng giữa những con đường rừng mát mẻ, những con suối mát lạnh và những con thác mơ màng…”

1 nhận xét:

  1. Tam Đảo với Cô Tô là 2 đảo cực đẹp ở miền bắc luôn
    vietnam motorbike tour Loop Bike Tours

    Trả lờiXóa