Lại thêm một lần xuyên Việt. Lần này là bờ Tây, xẻ dọc Trường Sơn, từ Sài Gòn ra Hà Nội, với nhiều đoạn xương cá tạt ngang tạt ngửa.
15 ngày, 3.000 km có lẻ, 9 người trên 6 xe máy, lúc lên bờ lúc xuống ruộng. Mồ hôi mặn, máu cũng mặn, chỉ có người ngợm là thơ thới.
Đúng nửa thế kỷ sau khi những người đầu tiên phát cây mở đường, chúng tôi đi lại con đường này, thăm lại nhiều chiến tích ác liệt.
Một số đoạn đường mòn 14C huyền thoại, năm kia còn đường đất, năm ngoái đã rải đá, còn bây giờ là đường nhựa. Nhưng nhiều đoạn khác vẫn như xưa, hoang dã trong hoang vắng.
Nhựa hóa và bê tông hóa nhanh chóng có thể cướp mất cái cảm giác lâng lâng. Mùi khét của công nghiệp có thể sẽ thế chỗ cái mùi ẩm ướt trong lành. Tiếng máy sẽ đẩy lùi tiếng chim kêu vượn hót đến lạnh lưng.
Mới về đã lại nghĩ đến chuyện phải tranh thủ làm thêm vài chuyến nữa, để ngắm, để nghe, để ngửi, để bay lên…
Đường mòn HCM là một hệ thống gồm 5 đường dọc và 21 đường ngang. Nhưng đã 50 năm nay vẫn chưa ngã ngũ trong các tranh cãi đâu là đầu đường, đâu là cuối, cho dù, đã có 2 cột mốc bằng đá long trọng đánh dấu tại Tân Kỳ (Nghệ An) và Lộc Ninh (Bình Phước). Lại vẫn còn tranh cãi đâu là điểm gặp nhau giữa giao liên miền Nam và miền Bắc…
Tân Kỳ là đầu đường của đoàn quân cơ giới. Khe Ve là đầu đường của đoàn quân xăng dầu (đường ống chạy tới tận Bù Gia Mập). Khe Hó là đầu đường của đoàn quân gùi thồ. Đầu nào cũng là đầu…
Xuất phát từ cầu Bình Phước, chúng tôi đi tắt qua Đồng Xanh ra quốc lộ 13, đến Đồng Xoài quẹo QL14. Đến Kiến Đức quẹo vào 14 C.
Đêm, ngủ trong đồn biên phòng. Các bác biên phòng chiêu đãi một bữa nhiệt tình trên mức tình cảm. Ấy là nhờ có giấy từ trên xuống.
Năm ngoái, cũng chỗ này, vừa thò cái máy ảnh ra, bị các bác biên phòng này sừng sộ xua, suýt thu máy ảnh. Năm nay, đi theo kiểu có tổ chức, được ăn, được nhường giường, được các bác ý tận tay mắc mùng, đắp chăn chu đáo.
Đêm, nghe tiếng nổ đùng đoàng, chớp loằng nhoằng, nửa tỉnh nửa mê, tưởng bị tấn công. Ai dè mưa rừng. Mưa khủng khiếp, tưởng đập nát mọi lá rừng, tưởng như đang giữa sa tràng.
Ấn tượng mưa rừng thật kinh. Thẻo nào ở Saigon có tiệm nhảy mang tên Mưa rừng, tưng bừng thác loạn.
Và cái ấn tượng kinh hoàng ấy là một tác nhân cho quyết định giữa đường hôm sau.
Trở ra Dak Mil, theo lời khuyên của các bác biên phòng, các xe cỏ đều tạu thêm một bình xăng phụ, 5 lít. Xe thì buộc sau, xe thì cắp nách can xăng. 14C đơn độc đường trường, không xăng thì chỉ có khóc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét