Trang

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Một chuyến tàu chợ

Người ta gọi là tàu chợ thật đúng, không chỉ nó chạy lề dề như đi chợ, dành cho dân đi chợ, mà còn đủ thứ hỉ nộ ái ố như một cái chợ. Xã hội nào thì chợ ấy, cấm có sai.

Nhưng thời du lịch ngày nay, tây đi chợ cũng nhìu, lại là tuyến Lào Cai – Hà Nội, loè lọet các loại sắc mầu và âm thanh, Tây Ta Tầu Tưởng đủ cả.

Em phải xin lỗi trước là chình ảnh kém, máy lởm, mà tàu thì rung tít mù theo đủ chiều, cứ định bấm thì nó lại xuỳnh một cái, chúi đi lung tung, nên ảnh chả ra cái dek gì, chỉ là để minh họa thui, các bác coi tạm cho dễ tưởng tượng. Tầu chợ, ảnh chợ mưh!

Hai ông này, người Mỹ, từ bang Wasshington, lên tàu là nhét tai nghe vào tai, thụt ra thụt vào cái tròng kính, lô sách ra đọc.


Ông kia người Áo, cùng vợ hóng hớt chuyện của bà con, gật gù mà chả hỉu giè:



Ông nọ người Nhật, chả nói chả rằng, cắm đầu duyệt các ảnh đã chụp, may lại có cô nọ chia sẻ, chuyện trò bằng mắt ví lại bằng tay:


Toa ghế ngồi cứng, nóng. Quạt thì có mà chả quay, chỉ trông vào gió từ cửa sổ. Không đúng chiều hay tàu dừng, mùi xú khí lại có dịp bốc lên, từ thoang thoảng tới ngột ngạt:


Trông thì tưởng các toa cùng hạng phải thiết kế giống nhau. Hóa ra khác. Thí dụ về toilet, cái thì ngang, cái thì ngửa, cái bằng sắt, cái bằng gốm, cái có cứu hỏa, cái không:




Ai lôi được hàng hóa bao nhiêu lên thì lôi, tự tìm chỗ mà nhét. Cái toa hàng ngổn ngang chen hết lối đi:


Các bác buôn bán trên tàu xúm lại một chỗ, chửi bới ỏm tỏi, suýt đập máy ảnh của em khi phát hiện ra bị chụp:



Cả một đội quân đông như quân Nguyên, tranh nhau bán hàng, rao ơi ới loạn xị ngậu, phà những hơi thở của cuộc sống nóng bỏng vào tận mặt, bất chấp khách đang thức hay ngủ:

Họ còn có các bảo kê đàng sau, sẵn sàng dạy cho đối phương cạnh tranh những bài học cần thiết và lườm nguýt những kẻ định mua nhưng lại chưa can đảm dứt khoát:



Nhà tàu, cùng chiến đấu trên chiến trường này, nhưng tỏ ra có văn minh thương nghiệp hơn, dù sao họ cũng là chủ tàu, dù không ra tay chuyên chính với những người bán hàng rong tự do đi tàu không vé:


Một bác người Mông vừa ổn định chỗ:


Xuất hiện một bác người Dao:


Thế là thành bạn đường vui tươi, bi bô nói với nhau bằng tiếng Kinh lọng ngọng, nói một thì phải tự đoán ra hai:


Hai bác người Kinh này đúng chất đồng bằng Bắc Bộ, chia ngọt sẻ bùi:


Còn cái bác này, chả biết là người Mán hay gì gì, vô tư đứng như chim trên cành, hưởng sướng với cảnh tàu xe:


Bác ý nhe hàm răng cải mả, đúng mô đen hiện đại là phải có một cái răng nanh bọc vàng thể hiện đẳng cấp trong làng và niềm vui như thời nước Anh vừa phát minh ra tàu hỏa chạy bằng hơi nước:


Nhà tàu xét vé và vui tươi giao lưu với khách, một nét mới của tàu chợ thời nay. Ngày xưa, các ông này gọi là Xơ Vơ, hay quạo và hơi tý có thể dọa đuổi xuống tàu. Nay khác gồi, đôi khi còn hỏi han bằng tiếng Anh đề huề:


Ông trưởng tàu, giọng khê nồng, thoắt cái từ phong thái bệ vệ chuyển sang chất Nghệ, hỏi han khách như người nhà. Cái còi uy quyền, ông cất luôn vào túi, chỉ đạo người nhà tàu chăm sóc khách khứa:


Bác bảo vệ này cũng hiền khô, không còn dáng dấp khét tiếng của thời “ba lô lộn ngược nhảy tàu bắc-nam”. Bác ý nhận ra người quen.


Chả là mấy hôm lườn khươn ở Lào Cai, em chui vào quán nào cũng gặp bác này, nào quán ăn sáng mỳ phở, nào quán nhậu đêm đủ các món nướng… 

Ăn cũng thấy ngon ngon, bi giờ mới yên tâm là mình (tình cờ) chui vào được các quán ngon bổ rẻ ở khu vực ấy. Vì các bác này quanh năm suốt tháng lọ mọ ở đấy, hẳn đã lọc lựa chán chê roài.

Tàu chạy thì khách lăn ra ngủ, đủ tư thế, từ Cờ Lát Xích tới Mô Đẹc:


Đôi khi ai cũng ngủ, chỉ một cặp mắt không ngủ:


Trẻ con khoái cảnh chạy qua, đu lên xem như những con chim treo mình trên dây điện:


Thi thoảng, một chú ré lên lĩnh xướng cáo vút trên cái nền xập xình đều đặn của con tàu:


Làm cho hàng xóm giật mình trợn mắt ngẩn ngơ:


Toa ăn của tàu phục vụ theo loại Hót Cứt Chần (Hot Kittchen, tức đồ ăn nóng kiểu châu Á, chứ không phải ăn nguội kiểu tây). Vì thế, cả một dàn bếp núc nồi xoong dàn hàng ngang, cùng với những lò than tổ ong khói khìn khịt:


Bác anh nuôi băm chặt các thứ như thời bếp ăn tập thể:


“Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi, dậy đi thôi, dậy đi thôi…” cái bài hát thời trẻ con ấy, trên tàu mới thấy nó rộn ràng làm sao. Nam, phụ, lão, ấu tề tựu, ai ăn kiểu người đó. Các cô trẻ nhí nhảnh thì xơi mỳ cho nó nhẹ:


Các bác có tuổi làm tý diệu rồi đả cơm cho chắc:


Trẻ con thì vẫn xúc bú mớm, trên tàu như không trên tàu:


Cơm no rượu say (chứ không phải cơm no bò cưỡi) rồi, làm một điếu:


Vô tư, tàu mà, cửa sổ không khép bao giờ. Và lúc này là thời khắc của các bác nước chè thuốc lào. “Lư…ớc chè đơi, ai lước chè lào”. Lào đây là “nào”, mà cũng là “lào”:


Cái chiêu câu khách là tự bắn một phát, tự sướng một phát:


Thế là mấy bác khách tàu trở thành khách thuốc lào, hua hua cái điếu tít mù, thay nhau bắn chác đì đùng:


Tiếng rít choanh choách kèm theo mùi khói “đậm đà bản sắc dân tộc” khiến các bác tây đang lim dim phải bật dậy. Mới đầu bác này khịt khịt, rồi nhăn mũi, rồi lấy tay áo bịt mũi.

Chả biết cái nào hơn cái nào, cái khó chịu vì khói thuốc, cái bực mình vì ngời ta cứ hút thuốc ở nơi công cộng cả trước mặt trẻ con, phụ nữ, nhưng rốt cuộc cái thích thú vì cái sự lạ khiến các bác tây rút máy ra bắn chác xì xoẹt, mặt mày hả hê:


Bác người Nhật này còn sướng như đang được ra trận, thoắt cái, ghế trên nhảy tót sỗ sàng, bắn phần phật:


Chả cần quan tâm chung quanh, bác này cứ tự nhiên trợn ngược hai hàng con mắt, phê đê tê mê:


Cứ như trong cơn đã chôn điếu xuống phải đào điếu lên.
Trời bắt đầu sập tối. Con tàu lắc lư xuyên dần trong sương đêm.


Lâu lâu nó lại ngừng vô lối, chả bít bao giờ mới lại chạy. Tàu chợ mà. Như em thì cứ phưỡn người ra, kệ mị nó, bao giờ nó đến thì đến.
Nhưng trên tàu phần đông lại sốt ruột. Và người sốt ruột đến mức làm cả toa tàu bồn chồn theo là vợ chồng bác người Áo, những người nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa con tàu chợ.

Đoạn sau của câu chuyện có hậu này em kể chi tiết tại đây ạ:

Copy ra đây: 
Thứ Ba, 23/09/2008, 15:23 (GMT+7)
Trên chuyến tàu chợ
Thời du lịch có những toa tàu năm sao dành cho du khách. Nhưng nhiều người, phần muốn tiết kiệm, phần muốn chơi theo kiểu bụi, vẫn muốn đi tàu chợ. Đi một đàng tàu, học được cả sàng khôn, chí ít cùng thấy được muôn mặt đời thường.
Hành khách đủ các dân tộc
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai được coi là một tuyến hiệu quả, năng suất cao nhất và là tuyến có nhiều Tây đi nhất. Những toa “năm sao” thì khỏi nói, mọi thứ sạch đẹp, đủ đèn, hoa với nội thất gỗ ấm cúng. Nhưng không vui bằng những toa tàu chợ “dưới năm sao” có đủ màu sắc của một xã hội thu nhỏ. 
Tiếng còi lanh lảnh vừa dứt, con tàu khực lên một cái rồi nặng nề trườn đi. Sắt nghiến vào sắt kẽo kẹt, rầm rầm.

Cái tiếng ồn ã dập nhịp của con tàu làm nền cho những tiếng rao đặc trưng. “A...ai... bánh chưng bánh giò đê”. Cái giọng khê nồng chưa kịp lắng xuống, lại bỗng ré lên các giọng khác, cái the thé như xé vải, cái nhão nhoẹt: “Nư…ớc chè đơi, ai nước chè nào”, “Nước ngọt, kẹo gôm, thuốc lá đ...â...y”.

Ổn định chỗ rồi, ai nấy chuẩn bị nghỉ ngơi sau cuộc vật lộn mua vé và chen lấn lên tàu. Vừa lim dim, mấy hơi thở chua lòm đua nhau phả vào mặt:

 - Bác mua giùm cháu ngô luộc đi, mua giúp cháu đi...

 - Có khoai, có sắn, có muối vừng đây bác ạ, bác xơi quà nhà cháu nhé...

Những người bán hàng này không biết ở đâu ra, đông như kiến, chạy như mắc cửi dọc theo tàu, tua đi tua lại với tinh thần thà mời thêm còn hơn bỏ sót. Có vẻ họ là những người tình nguyện phục vụ không có vé. Nhà tàu chẳng thấy hỏi họ, còn vui vẻ nhường sân trong cuộc cạnh tranh bán hàng.

 - Tiên sư con đĩ già mồm, bà đã mời rồi nhé, mày tranh của bà thì không xong đâu...

Tiếng choe chóe chói tai này làm ông Tây giật mình bỏ cuốn sách xuống, giương mục kỉnh ngước nhìn. Khi có vẻ hiểu ra, ông ta định lấy máy ảnh ra chụp thì xuất hiện một gã bặm trợn, đầu trọc, bắp tay xăm hình con đầm lá bài tây. Gã sấn xổ đến khiến ông Tây ấn cái mấy ảnh vào bao... Nhưng gã không phải dọa ông Tây, mà chỉ đến dọa kẻ cạnh tranh với người nhà của gã.

Không chụp được cảnh đó thì họ chụp được những cảnh khác. Đó là cảnh người bán nước chè kèm theo ống điếu cày. Hành khách hút thuốc, nhả khói vô tư trên tàu, lại còn hua hua ống điếu trước mặt phụ nữ, trẻ con...

Một khách Việt giơ máy ảnh lên định chụp, đám bán hàng rong ré lên chạy dồn về phía cuối toa, ném lại những ánh nhìn quàu quạu kèm theo những lời dọa dẫm.

Quạt trên trần, nhưng hầu như không quay Niềm vui của hành khách nhí

Tàu chợ, đủng đỉnh như đi chợ, ồn ào, tuy không còn quang gồng quang gánh, thay vào đó là những thùng hàng đóng kín, vẫn mùi mẫn như một cái chợ. Tàu chợ Lào Cai - Hà Nội có đủ màu sắc dân tộc, và cũng đủ kiểu.
Hai chị người Mông gặp nhau chuyện trò bi bô vui như Tết. Chị nọ mặc đồ xanh sĩ lâm, chẳng biết là dân tộc gì, có chiếc răng vàng chóe, lại thích đứng trên ghế. Mấy người Kinh lại có thói quen lăn ra ngủ trên ghế và cả dưới sàn...

Khách người Mỹ lạ lẫm trước thuốc lào

Mấy khách người Mỹ lẳng lặng lấy sách ra đọc. Anh người Nhật chúi mũi vào xem lại mấy tấm hình chụp trước đó. Đôi vợ chồng người Áo đưa mắt hóng hớt cảnh sinh hoạt trên tàu...

 - Where are you from? - Bác soát vé lập bập hỏi mấy lần, khách mới hiểu bác ấy hỏi câu này.

Nhưng hỏi thì hỏi vậy, mặt bác soát vé vẫn lạnh tanh, lại còn nhìn đi chỗ khác, chẳng buồn nghe câu trả lời. Mấy khách Mỹ này nhướn lên tưởng có người bắt chuyện, đành chưng hửng. Hóa ra, hỏi chỉ là hỏi bâng quơ thế thôi, thay cho câu chào.
Ông trưởng tàu đeo còi đi tuần toa Hút thuốc lá vô tư trên tàu

Tôi đành bắt chuyện, chỉ muốn giải thích cho mấy ông khách Mỹ biết rằng đó là một cách chào của dân địa phương, cũng giống như người Mỹ thường hỏi How do you do?, thực ra hỏi vậy mà không hỏi gì, chỉ như... chào hỏi.

Hai ông này, người bang Washington lên Sapa chơi, như một thói quen, vừa định giải thích quê họ không phải là thủ đô Washington D.C, nên tôi hỏi luôn: “Cảm nhận của các ông thế nào về sự khác nhau giữa miền Tây Bắc của nước Mỹ với miền Tây Bắc của Việt Nam? Các ông đang ở nơi công nghiệp với những hãng Boeing, Microsoft... nay sang vùng rừng núi heo hút?”.

Nụ cười mãn nguyện nở khắp khuôn mặt hai vị khách. Họ bảo quá thích thú. Khi còn nghèo, người ta lao vào công nghiệp để làm giàu, nhưng khi đã công nghiệp hóa rồi thì sự hoang dã của thiên nhiên với cuộc sống đa sắc của các dân tộc dường như lại mất đi mà khó lấy lại được...

Trầm đi một lúc, hai ông này bảo: người Việt có vẻ hiểu người Mỹ hơn người Mỹ hiểu người Việt nhỉ. Tôi bảo: chỉ là người Việt hiểu người Mỹ hơn là người Mỹ tưởng thôi.

Đang chuyện trò, vợ chồng bác người Áo từ toa trên lội xuống. Nãy giờ họ có vẻ căng thẳng, nhấp nhổm... Thấy có người nói tiếng Anh, họ nhào tới tham gia.

 - Chúng tôi là người Austria (Áo) chứ không phải người Australia (Úc).

 - Vâng, vâng, tôi biết mà, vì ông nói tiếng Anh giọng Đức, hehe...

 - Chúng tôi có một vấn đề... không biết làm thế nào...

 - Chuyện gì vậy, ông cứ nói, nếu tôi có thể...

 - Tàu chạy chậm quá so với lịch trình, chúng tôi có thể lỡ chuyến bay kế tiếp... Chúng tôi phải ra sân bay Nội Bài ngay sau khi tàu về tới Hà Nội, nhưng kiểu này sợ không kịp...

Người bán hàng rong trên tàu Đi tàu hỏa kiểu... đứng

Con tàu cứ ỳ ra như trêu ngươi, lâu lâu lại dừng vô tư, chẳng biết bao giờ mới chạy tiếp, chẳng cần biết đến ai sốt ruột. Những người phương Tây quen kiểu công nghiệp dây chuyền, hết dây chuyền tàu là chuyển sang dây chuyền máy bay. Nhưng họ không lường được những bất trắc của công nghệ một dây chuyền hay là dây chuyền nọ chẳng cần có trách nhiệm với dây chuyền kia ở nước ta.

Trời tối sập xuống nhanh chóng trong chiều mùa đông ảm đạm ở vùng núi non làm héo hắt ruột gan ông bà người Áo. Tàu về chậm thì không kịp chuyến bay. Bay không kịp thì không trả phép đúng hạn, có thể mất việc như chơi...

Hai khách người Áo hỏi cách ra sân bay Nội Bài nhanh nhất sau khi tàu về đến Hà Nội, nhưng nhà tàu không hiểu. Khi được dịch lại, lại chính là hành khách, chứ không phải nhà tàu, xúm lại mách mưu giúp họ. Nào là đi bus, nào là taxi, nào là thuê xe hơi riêng cho kịp...

Hai người Áo não nuột như gặp cảnh đẽo cày giữa đường, chẳng biết nên làm gì và như thế nào. Một khách già, nãy giờ ngồi yên, bỗng đủng đỉnh phán: “Bảo ông bà ấy đừng về Hà Nội nữa, mà xuống ga Phúc Yên rồi đi xe ôm hoặc taxi ra Nội Bài cho kịp”.

Được dịch lại, hai người Áo sáng mắt lên rồi lập cập hỏi các chi tiết. Lại tiếp những ái ngại: trời tối, thông thổ không biết, ngôn ngữ bất đồng, có xuống giữa đường cũng làm sao bắt được xe ra sân bay.

May sao, một chị đứng tuổi ra vỗ vai nói nhỏ: “Em xuống Phúc Yên, bác bảo hai người Tây kia đi theo em, em sẽ nói xe ôm hoặc taxi chở hai bác ấy ra sân bay cho, chỉ có 7km thôi”.

Hai vợ chồng người Áo rạng rỡ mặt mày, chắp tay xá các hành khách chung quanh, miệng không ngớt lời cảm ơn, rồi ngoan ngoãn bám đuôi chị nọ. Chị này không nói một câu, chỉ thỉnh thoảng ngoái lại xem ông Tây bà đầm còn đi sau lưng hay không. Ra đến cửa ga, họ còn ngoái lên, chắp tay, cúi đầu chào mọi người trên đoàn tàu.

Mấy khách Tây còn ngồi trên tàu đi tiếp cũng thở phào, mỉm cười gật đầu với các hành khách chung quanh.

So với những cái nhăn mặt của họ lúc mới lên tàu chưa quen với bao nhiêu thứ lộn xộn, thì những nét rạng ra lúc này như một sự tạ lỗi âm thầm. Họ từng khó chịu với những người đồng hành vì sự luộm thuộm, mất vệ sinh và dường như không biết để ý đến những người và môi trường chung quanh, từ toa tới nhà ăn, nhà vệ sinh... Nhưng chứng kiến cảnh giúp nhau, mấy khách Tây lúc này mới buông lời khen vu vơ: “Thật đáng yêu và tốt bụng”...

Bài: MAI THẾ ĐÀO - Ảnh: DU DI
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

1 nhận xét:

  1. có ai đã thử chuyến đi hà nội với vietnam motorcycle tour Loop Bike Tours chưa?

    Trả lờiXóa