“Đi thì nhớ, ở
thì khổ” là cái câu về Hà Lội, nơi “dù có đi bốn phương trời” vẫn khắc khoải “một
thời đạn bom, một thời hòa bình”.
Vẫn con phố
xưa, vẫn quán cóc xưa, một thời “mậu dịch”. Cà phê Giảng đi rồi, lửng lơ cà phê
Nhân, cà phê Huân, cà phê Hói. Góc xưa một cõi, đầu con phố nhỏ chĩa mắt ra “cột
đồng hồ” đâu còn đồng hồ.
Chỉ thấy Hàm Cá Mập chỉa ra choàm ngoàm (nó từng là ga xe điện cũ, rồi thành đồn CA, dân quen gọi là Bót Nhà tròn).
Chỉ thấy Hàm Cá Mập chỉa ra choàm ngoàm (nó từng là ga xe điện cũ, rồi thành đồn CA, dân quen gọi là Bót Nhà tròn).
Dây điện lằng
nhằng điên nặng choàng mạng nhện lên góc phố cổ. Những ô cửa sổ choèn hoen bon
chen với đời. Góc ấy, một thời bánh mỳ nóng giòn, pate còn một thẻo mỡ giòn.
Quán phở cạnh đấy hết mùi phở, chuyển sang mùi hiện đại hóa.
Phở Sướng,
nghe nói mới mở xì xụp đông đông. Xực không nổi, chả thấy mùi mẫn gì, nhạt, nhọp
nhẹp nước. Chỗ ấy, thời những năm 70, có cháo tiết với dầu cháo quẩy, ngọt ngào,
thơm tho, giòn mềm.
Phở tái, băm
chan chat, đập cái bẹt ở ngõ Tô Lịch thời gạo mậu dịch cũng mất. Bún, miến Đồng
Cô Hàng Hành cũng biến. Phở Bát Đàn xếp hàng chìa sẵn tiền, húp phát bỏ luôn, cạch.
Mồm miệng dân Hà Lội thế lào, tức nhau tiếng gáy nên cứ cần mẫn đem thân ra khoe
cho quán.
Ăn, cứ phải
lê la, ra ba cái quán phở gánh Đồng Xuân, cạnh phở Đào cũ, hay làm mẹt bún đậu
mắm tôm, không vào Phất Lộc thì ra Lý Quốc Sư.
Dân Hà Thành,
chém gió cũng bằng ai, gặp phải lão tay dao tay thớt, chả ai bằng. Tại gia, chế
theo cách đông tây y kết hợp, quá đậm đà bản sắc, mủi lòng chân răng. Đủ mùi, đủ
món, hai ba lớp chồng chéo quyện ngào, cá, không phải là cá, mà vẫn cá, thiên
hà mới thấy một.
Ông Đán tuổi
ngoài thất thập, ngự ở Hàng Đào từ trẻ, vẫn phất phơ trông coi cái nhà nghỉ
riêng, có vài người giúp, nhì nhằng kiếm được đồng nào hay đồng ấy ở tuổi xế
chiều, cho vui là chính, chả bon chen kiếm chác gì.
Dân Hàng Đào,
tự hào đôm đốp, sang đến New York còn gặp một mợ phôm phốp, khăn vấn áo dài lai
rai kể chuyện Hàng Đào xưa.
Ông Đán bảo,
cái đình 90 Hàng Đào một thời làm việc hành chính, nay bỗng chuyển sang đình
làng. Tượng mất lại kiếm về, xì xụp đong đưa. Đình làng là đình làng, láo là lộn
cổ.
Sáng, quanh bờ
hồ đã hập hơi người, xưa chỉ loáng thoáng, mộng mơ. Chiều, tìm cái ghế đặt mông
khó như tìm kim. Phệt ngay gốc sấu già. Xưa, chiều tà qua khúc này, mấy cô tự vệ
áo xanh, lưng đeo súng trường đạp xe hớn hở.
Loãng moạng
nhất là các cô ấy ngả nón ra, vừa tong tả lướt, vừa đong hứng hoa sấu lộp bộp. Hoa
sấu trắng nhỏ biết nón đâu mà vào, rải lơ thơ loáng trắng đường.
Đêm Hàng Đào,
lại nhìn ra cột đồng hồ, một thời chen toát mồ hôi, tiến dần lên vài bậc, chìa
hào lẻ để tranh cây kem Hồng Vân – Long Vân, rồi hể hả đỡ chiến lợi phẩm sang cột
đồng hồ, ngả bàn đèn xực từng phát cho nó buốt tận chân răng.
Bõ công. Cho
bõ cả trưa nắng chiều tà bì bõm ven hồ đập tanh tách cái cần câu hy vọng vợt được
chú cá cờ, đòng đong bé bằng ngón tay, tanh tanh óng vảy trắng, loang loáng ánh
cầu vồng.
Hà Lội, ngày
và đêm, trẻ và già, loáng vó câu. Đi đâu lâu lâu lại về, thở một cái, hít một
cái, hương hoa sữa phảng quanh cây bàng lá rụng. Có khi hít lấy hít để…có khi lại quay về cái máng lợn...
hà nội trà chanh chém gió đã đi vào truyền thuyết rồi
Trả lờiXóavietnam motorcycle tour Loop Bike Tours