Trang

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Cao cao trên Buôn Ma Thuột…

Căn nhà cổ này, người ta bảo đã trăm năm. Trong ấy, có bà chủ già phúc hậu lặng lẽ ngồi bán vỏ cây rừng làm thuốc. Bà kể về những đồ nghề săn voi treo trên tường… Tổ tiên xa xưa của bà từ Lào sang, chuyên trị săn voi, đốn gỗ, rồi lập ấp ở đó ….

Đó là Buôn Đôn, cách Buôn Ma Thuột hơn bốn chục cây số về phía tây bắc. Tiếng Lào cổ, có nghĩa là Làng Đảo, một cái làng lập ra trên những hòn đảo, giữa những dòng sông cuộn chảy. Rừng một bên và sông một bên, với những con đường thời mới…



Xứ Thượng ngày xưa này bị gọi theo nhiều cách lẫn lộn: Buôn Mê Thuột, ly cà phê Ban Mê, anh đi công tác Ban Ma… Gọi đúng phải là Buôn Ma Thuột. Buôn là buôn làng, Thuột là tên một người, Ma có nghĩa là cha.

Tục lệ người Ê đê không cho phép phạm húy gọi người đàn ông bằng chính tên của anh ta, mà phải gọi tránh bằng tên con anh ta. 

Thế nên, cái ông (nghe nói vì có công chống thực dân Pháp thời xa xưa) được dân lấy tên đặt cho cả làng, hóa ra cũng chả biết ông ấy tên là gì, chỉ biết đứa con ông ấy tên là Thuột. Buôn Ma Thuột nghĩa là cái làng của cha thằng Thuột.

Nghe có vẻ tôn vinh đàn ông! Hóa ra ngược lại, đàn ông chẳng là cái đinh gì dưới chế độ mẫu hậu hà khắc. Nhiều chuyện đàn ông phượt thời nay nghe uất không chịu nổi. Chưa chực vùng lên đã bị vợ nó dìm xuống, thí cho một vò rượu mà chơi.

Cái cầu thang lên nhà sàn (gọi là nhà dài, bên trong như toa tầu hỏa, mỗi cặp một ô…) được đẽo từ một cái cây. Cái chỗ để bấu tay trên cầu thang này là hai trái bồng đào, mỗi lần lên xuống phải bấu víu vào đó mà nhớ …

Đàn bà lãnh đạo hết, đàn ông chỉ việc ở nhà lo ăn nhậu, bế em, quét nhà. Quẩng thì cho lên rừng đánh đu như… du khách. Đu đi cho nó sướng, rồi về mà làm quần quật …



Buôn Đôn với những cái nhà của dân chúng như thế này



Và nhà dài làm cho du khách cũng tương tự như thế. Rộng thênh thang, trải nệm liền nhau từ đầu đến cuối. Nhưng cái nhà trên cây này ở mới thích. Nó như cái chuồng chim, cheo leo đặt trên cây, quanh những cái rễ chằng chịt:



Đó là một hệ thống liên kết và bấu víu chặt chẽ với nhau, đung đưa nối bằng những cây cầu treo. Bình thường nó trông thế này:



Mùa nước nước lũ trông lại càng khiếp. Con sông Serepoc nổi cơn thịnh nộ, ào ào như thác đổ…



chỉ chực cuốn phăng những chiếc cầu mảnh lẻo:



Lên xứ voi, phải cưỡi voi. Ông Tây bà đầm xòe tròn cả hai con mắt: Cưỡi voi? Chuyện không thể tượng tượng! Với họ, nằm mơ cũng chưa thấy.

Bình thường thôi. Thuê một con voi đi chơi một tiếng, tốn 200 K. Bo cho quản tượng thì tùy hảo tâm. Các ông quản tượng này thường lầm lỳ, không mấy đòi hỏi. Thi thoảng cũng có ông gợi ý “tiền cà phê” mỗi khi được đề nghị điều khiển chú voi biểu diễn các kiểu để chụp ảnh.

Có cả khoản tiền bo cho voi. Đó là mía. Trên đường đi có những người bán mía mời chào. Và đôi khi người quản tượng, ai bảo chăn voi là khổ, cũng gợi ý xa xăm. Mua một bó mía cho con voi, 2 K, cũng rẻ thôi. Nhưng nó chỉ thò vòi lướt một cái, ra chiều không bõ… vòi.



Ngồi trên lưng voi được nghiêng qua nghiêng lại êm ái, sướng như vua. Vua ngày xưa cũng chỉ được hưởng đến thế thôi, chỉ khác là có ngai vàng lọng che.

Chả sao, cái sướng long trọng bên trong vẫn hơn ba cái hào hoa bên ngoài.


Tour voi đánh một vòng, nghênh ngang băng đồng rồi… bơi qua sông. Kinh, hoảng, nghi ngờ là các cảm giác dồn dập ập đến. Chỉ sợ con voi nặng như thế, ra đến giữa dòng sông nước xoáy lại bỗng bảo rằng nó không biết bơi thì cả lũ ngỏm củ tỏi.

Nhưng con vật khổng lồ này lại rất dẻo. Nó đủng đỉnh lượn lờ như không. Nó vừa là xe tăng, lại vừa là xe lội nước. Ngồi trên nhìn xuống chỉ thấy những vòng nước lăn tăn tỏa ra nhè nhẹ, chứng tỏ nó khua nước rất nắn nót, như không có gì…



Cách hôm ấy ít lâu, có tin một con voi nổi khùng, quật ông quản tượng chết tươi. Nghe mà tởn xương sống, vừa cưỡi vừa run… Đúng lúc ấy, con voi lên bờ. Cái bờ đất đỏ quạch, dốc cao vút lên, trầy trụa những vết chân voi làm thành những đường trượt lõm xuống như những cái máng ướt nhẹp. Đúng lúc đang cheo leo thì con voi dừng lại, ngay chỗ bùn lầy lõng bõng nửa đất nửa nước.

Dốc trơn, nó trượt chân, tượt xuống vài bước.

Mồ hôi phọt ra lung tung khi chợt nghĩ con voi mà té, đè lên mình thì ruột cũng chẳng kịp lòi…

Nhưng nó chựng lại, làm một bãi to như … phân voi.

Hú hị vài tiếng rồi nó ngúc ngoắc đi tiếp. Em không kịp hoàn hồn để rút máy ảnh ghi lại cái bãi ấy. Nước đã cuốn nó đi, bồng bềnh……
Lên bờ, voi đi vào rừng.

Đó là rừng khộp, với những cây khộp ngây ngô xòe lá. Lần đầu tiên biết cây khộp và rừng khộp. “Rừng chiều nghe lao xao…”, câu hát nào cứ vút lên.

Đến chỗ cái cây này, tay quản tượng cho voi dừng lại, bảo đó là cây Cơ Nia:



Thấy nghi nghi, nhưng nghe vậy thì cũng ngắm, gật gù. Ngắm rồi mà vẫn nghi nghi, chả qua vì em tính vốn đa nghi, không phải ai nói gì cũng vâng dạ.

Vì em đã đọc cuốn Lời khấn muộn (Nxb Hội nhà văn, 2001) của nhà báo, nhà văn Đỗ Quang Hoàn, một chuyên gia rất rành về Tây Nguyên, trong đó cây Cơ Nia được mô tả thế này: “Từ xa cũng rất dễ nhận ra, bởi thân nó có mầu mốc trắng, tán lá vừa dày vừa tròn. Nó có sức chịu nắng hạn lạ kỳ. Cuối mùa khô, khi mọi cây rừng trụi hết lá thì Cơ Nia vẫn xanh ngăn ngắt. Đồng bào ở đây gọi cây Cơ Nia là cây cầy. Trẻ con thường nhặt quả cầy đập lấy nhân để ăn”.

“Em hỏi cây Cơ Nia…” này, nhưng nó im lặng. Nó được mô tả trong bài thơ và bài hát là có “bóng tròn che lưng mẹ” … Em hỏi mẹ, mẹ cũng chả biết cái tên Cơ Nia ở đâu ra.

Cái em thấy chỉ là Tây Nguyên bây giờ đang tiến kịp miền xuôi, có cả những cái lều lãng mạn, bên suối và bên những cái cây không phải Cơ Nia:

và em thấy cả những tổ chim “truyền thống” nhưng không kém phần lãng mạn. Đồng bào ở đây bảo tổ chim này là tổ của loài chim Ròng rọc.

Vâng, chim Ròng rọc. Chả biết hình dáng nó thế nào, vì chưa chụp được ảnh. Nó chưa được thơ hóa và nhạc hóa. Ít người biết nên chắc không phải là “cầy” lại biến thành Cơ Nia….

Những bức ảnh này vừa chụp chiều nay, 22.12.2007.  Buôn Ma Thuột chuẩn bị đón Noel.

Một cây thông Noel mọc lên ngay ngã sáu, nơi được coi là trung tâm thành phố:



Trông cũng hoành tráng và mát mắt phết. Ngay chung quanh bùng binh ngã sáu này là một cái nhà thờ to. Chung quanh đó là bưu điện, khu buôn bán. Chính giữa là hồ nước, trông êm đềm như ở Thụy Sĩ:



Trên mặt hồ nước là tượng đài chiến công với chiếc xe tăng được cho là tiến vào Buôn Mê Thuột mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh vào tháng 3.1975:



Hồi đó người ta lấy chiếc xe tăng thật lên làm tượng đài. Nó “một mầu xanh xanh…”. Nay lại thấy nó hơi sang “một mầu nâu nâu…”.

Hỏi ra mới biết chiếc xe thật được cất đi rồi, bày vào chỗ đó là chiếc xe tăng giả, trông sát nửa như gỗ, nửa như xi măng, chả biết thật ra rà gì:



Điều độc đáo ở đây là cái cây thông Noel. Nó được làm bằng các chai bia Heineken. Nhưng chỉ là vỏ thôi, không có bia. Có bia mà để thế này thì có mà mỡ để miệng mèo ), dù có ông già Noel canh giữ đi nữa:



Các chai bia được xếp vào cái khung cho thành hình hài cây thông. Nhìn dưới lên thấy rõ:



Cả các gói quà lủng lẳng nữa. Giả thôi:



Thế cũng là tân tiến lắm rùi. Chắc là nhờ có đổi mới cách nhìn nhận.



Cái bà bán rong này ra sức bán kính, kèm theo gương lược và cả ví.

“Thay đổi cách nhìn đê, kính đây!”.

Buôn Ma Thuột từng được nhạo là xứ Buồn Muôn Thuở. Ngày xưa đó là một nơi lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc. Thời Pháp, một cái nhà tù to được xây trên đó, nhưng không gọi là nhà tù, mà là nhà đày.

Cho lên đó lưu đày phát vãng. Nhà đày không cần xây tường cao lắm, nằm giữa rừng, đêm nghe tiếng hổ báo gầm rít, có trèo tường trốn được ra, cũng bị cọp beo làm thịt. Tù nhân chết, chỉ việc vứt xác ra ngoài, thú dữ đã rình sẵn, dọn sạch…

Nhà đày vẫn còn đó, ngay đầu thành phố, trở thành một nhà lưu niệm. Còn thành phố đã khác hẳn từng ngày. Một thời, thành phố đỏ quạch vì đất đỏ như cả một công trường. Nay phố xá đã khác:



Và cả những đại lộ thênh thang:



Cái nhà này, gọi là biệt điện. Dưới chân nó là cả một quán cà phê vườn. Cà phê cực ngon, xứ cà phê, người ta uống ngày mấy cữ như uống nước, và thường rất đậm đặc. Người nơi khác đến uống thường phải kêu thêm một ly nước sôi đổ thêm vào mới uống nổi:



Thành phố mọc lên nhiều quán cà phê như thế này, chả mấy kém Sài Gòn:



Nhà cửa bây giờ cũng đẹp lắm. Cái này là một công sở, vừa xây xong, nghe nói là trụ sở cuả uỷ ban dân tộc gì đó:



Còn cái này, là một nhà dân. Thẩm mỹ nay cũng lên hoành tráng:



Buôn Ma Thuột là thủ phủ cuả tỉnh Đắk Lắk. Cái tỉnh này ngày xưa thuộc loại to nhất Việt Nam, nay đã chia bớt ra với Đắk Nông, sát với tỉnh Bình Phước dọc theo biên giới với Campuchia.

9h30 sáng ra khỏi Đắk Lắk tới Đắk Nông, trời còn nắng như thế này:



Nhưng đi chỉ hai chục cây số nữa, cứ như là sang đến London cuả nước Anh. Sương mù giăng kín, cách chục mét cực khó nhìn. Đổi lại, mát mẻ và lãng mạn phết”



Hơn 10h sáng, các xe trên đường vẫn phải bật đèn sương mù:

Ngày xưa, ở nước Anh, sương mù quá, người ta phải chở lợn (heo) trên các thuyền. Cái giống này, cứ kêu éc éc liên hồi như kèn báo động để thuyền bè nhận biết vật cản mà tránh.

Bây giờ ở Đắk Nông, chỉ chở các đồ này. Nên xe (và có khi cả người) phải thay heo la lên liên hổi để biết mà tránh.

Các “anh hùng Núp” vì thế cũng hay tích cực nằm lùm… Bác nào lớ ngớ phượt qua đó, nhớ để ý mà tránh phiền.

Buôn Ma Thuột ở độ cao thấp hơn Đà Lạt, nhưng vẫn là bình nguyên trên cao, có sương nhưng nắng không gắt như Đà Lạt, không làm rám má môi hồng của ai cả:



Thành phố xanh, tuy bi gờ đã chen nhiều bê tông gạch ngói và cả xe pháo:



Trên ấy vẫn còn những khu rừng già, với những ngôi nhà dài kiểu Ê Đê:



Cầu thang lên những nhà này có hai núm vú. Người leo lên phải nắm lấy hai núm vú này. 

Cho khỏi té là một chuyện, nhưng là phải nắm vú để không được quên những người phụ nữ đang ngự trị trong chế độ mẫu hệ:



Bên trong những ngôi nhà dài là không gian rộng rãi. Nó như cái đình, để làm nơi họp dân làng.

Nhà dân cũng làm theo mẫu tương tự, nhưng bé hơn nhà dài. Trong nhà ngăn ra từng khoang như tàu hoả, nhưng cửa rả có cũng coi như không.

Thường thường, cồng chiêng được treo trên những cái giá để ven hai bên. Bên dưới những cái cột thường là chỗ buộc mấy ché rượu cần:



Rượu này được ủ bằng men lá cây rừng. Chọc các cần vào, lấy một thau nước suối để bên cạnh. Miệng hút rượu, tay cầm ly đổ nước suối vào ché theo tốc độ hút rượu, sao cho ché rượu lúc nào cũng đầy.

Ngụm rượu đầu tiên phải mời người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhà. Bà ý mới là chủ nhà đích thực.

Ngày xưa người ta thường uống rượu vo thế thôi. Bi giở có cả mồi màng như Kinh. Cá có cả ở trên núi, cá chim cũng có, cá hồi cũng có luôn.

Những con cá này thường to, một con có khi phải chặt đôi, làm hai món:



Đây là thác Gia Long:



Cũng cuồn cuộn và cũng đẹp có hạng. Ở đó có những cái cây và những hòn đá rêu phong, chả biết có từ thời nào:



Chúng rất “hội nhập” với phong cảnh chung, với trời xanh mây trắng và nước lúc nào cũng ngầu đỏ hơn nước sông Hồng. Vắt vẻo cái cầu bên thác:



Nhưng tại sao cái thác này lại có tên là Gia Long? Hầu như các thác trên cao nguyên đều có tên dân tộc, kèm với chữ Dray, tiếng Ê Đê nghĩa là thác, chỉ con thác này có tên rất Kinh.

Có một giải thích đây là một nơi ưa thích của vua Gia Long ngày xưa. Lại có một giải thích khác: Vua Gia Long từng định làm một cái cầu treo tại nơi này, thậm chí đã cho xây trụ, nhưng vì lý do nào đó cầu treo này không được hoàn thành.

Cho đến nay, mố trụ cầu vẫn còn, dù ải với thời gian, chìm trong quên lãng. Cái mố ấy nó thế này:



Đo đỏ đá bị phủ xanh xanh lá

Còn đây là thác Draynur. Nhìn trên bề mặt nó chỉ đơn giản thế này thôi, trông như một con suối lớn:



Nhưng từ trên nhìn xuống mới thấy nó dường như là một miệng núi lửa lớn. Khu vực Tây Nguyên này ngày xửa ngày xưa rất nhiều núi lửa. Và các miệng núi lửa này nay trở thành các con thác (?).

Từ trên nhĩn xuống, người đi câu bé tý trên những hòn đá rớt từ miệng núi lửa này từ lúc nào:



Xuống dưới mới thấy cái hòn đâ ấy to cỡ nào. Chắc phải bằng vài cái nhà:



Ở dưới ấy, thác đổ ầm ầm, bụi nước bay mù mịt như sương đậm, mọi thứ nhạt nhoà:



Người ta bảo Draynur là con thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên. Đi xuyên những màn sương ấy thật dễ chịu và đúng là chơi ở con thác này thích nhất.



Nó nằm cách thác Gia Long không xa lắm, trong quần thể một chùm các con thác trên sông Serepok, cách Buôn Ma Thuột hơn hai chục cây số về phía đông nam…

Gặp một người câu cá:



Họ đi câu ở những tảng đá bên dưới thác. Cũng lạ, thác đổ ầm ầm như thế mà vẫn có cá:



Cái bác Lã Vọng này rất lỳ, và vẻ mặt rất Tây Nguyên, Lã Vọng trên cao nguyên:



Ở chỗ này có một số hang động nhỏ, cực mát, ngồi ngắm thác như mưa rơi. Đời có những lúc yên ả để mà ngắm, mà nghĩ:



Ngồi trong hóc bò tó ấy, ngắm được cả con thác hoành cháng, ầm ầm trong tâm an, sướng:



Và có cả những cái rễ cây chằng chịt bám vào vách đá. Chả biết chúng được sướng ở đây từ bao giờ:

1 nhận xét:

  1. buôn ma thuộc đẹp với những đồi chè, đồi cà phê tuyệt đẹp
    vietnam motorcycle tour Loop Bike Tours

    Trả lờiXóa