Trang

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Phượt bụi, lăn lê Mã - Bờ 16: Cung đường sưu tập tem


Cung đường "Sưu tập tem" dường như không dài lắm, nhưng vì vừa đi ưửa sưu tập nên cà kê dê ngỗng mất 8 giờ rong ruổi. 

Phi máy bay thì mất 40 phút, lướt tàu thủy cũng được nhưng phải chuyển đổi nhiều loại phương tiện. Cả hai cách đều chẳng nhìn được gì, ngoài trơn mây non nước như nhau...

Thế nên, đi đường Sưu tập tem cũng là một thú vui. Đó là con đường từ Brunei đi Kotakinabalu.

Chắc chỉ dài chừng 300 km gì đó, không đồi núi, ít lượn lờ, nhưng cũng không quá to, thẳng. 

Nó đi qua nhiều làng thưa thớt, cây mát nhiều đoạn giông giống đường tây Trường Sơn khúc Thanh Hóa đi Hòa Bình... thi thoảng cảm giác chạy ven biển như miền Trung VN.

Bay từ VN sang Kuala Lumpur hôm 26-4-2014, vật vờ một đêm ở sân bay để hội quân với nhiều nhóm đến từ nhiều đường. 

Thiêm thiếp chập chờn trên sàn phòng chờ lạnh lẽo, 4h sáng hôm sau lục tục dậy để kịp bay chuyến bay 6h sáng đi Brunei.

Lượn lờ ở Brunei một ngày rồi bỏ của chạy lấy người khỏi xứ không có xe, vắng ngoe với toàn nhà thờ củ hành nhưng mọi thứ đắt như dầu mỏ...

Dụ được bác tài trẻ làm taxi đưa ra xa cảng. Đút vào bến xe rồi, bác ý phát hiện có "xe dù" sắp chạy, ý ới vẫy gọi chỉ ra đầu đường bến sông.

Một chiếc bus cứ như xe ngoài luồng đang lên khách, bắt thêm khách. Oke-la, đóng xiền, nộp hộ chiếu khi lên xe.


Khách nội ngoại gì cũng rứa, phải có hộ chiếu mới đi được bus này. Lý do từ Brunei đi Kota theo đường này phải qua tới 7 cửa khẩu.

Brunei nằm sát biển và gọn trong Malaysia. Nhưng nó loang lổ da beo thế nào, hoặc đường đi lòng vòng thế nào, phải qua cả đống cửa khẩu, đành "sưu tầm" dấu biên phòng đóng vào hộ chiếu.

Mới chạy được 35 phút, tới cửa đầu tiên:


Một cái cổng rào bằng sắt đơn giản, Và cái trạm biên phòng như cái chòi của bảo vệ công ty, có ô cửa tò vò. 

Đút hộ chiếu vào, scan, đóng dấu cái kịch, đi. Khách đông nửa hiếc bus này, cả lên xuống, xếp hàng, đóng dấu, lên xe... mất 15 phút. Chính xác là 17 phút vài giây...

Brunei sạch đến từng xăng ti mét cũng phải. Ngay cả cái cổng biên giới này cũng có một bà lụi hụi quét bụi. 


Bà ấy như một viên chức cần mẫn, cắm cúi quét di quét lại, chả buồn ngó nghiêng. Quét sân nhà xong, lại sang phần đất bên Malay quét giùm nữa...


Lên xe, chạy chừng tiếng, lại đến trạm biên phòng kế tiếp. Xếp hàng đóng dấu. 

Xe cộ cứ ngồi trong chìa giấy tờ. Chả ai hỏi ai nói câu nào... 


Thế thôi, rồi qua. Biên giới với cái chòi như thường trực, bảo vệ chốt dân phòng:


Một cửa khẩu là một cặp đồn biên phòng, bên này đóng, đi dăm bước, sang bên kia lại đóng, dấu mộc nện cứ cồm cộp như chiếu lệ


Cửa khẩu to thì có nhà to, vào nhà xếp hàng đóng dấu:


Ngoài đường, một bác biên phòng mũ nồi vàng kê bàn ghi số xe:


Hai ba trạm đầu còn vui vì lạ. Các trạm sau oải, vì lên xuống xe liên tục chỉ để... diễn. 

Qua một cặp đồn mất nửa tiếng, khách lại tranh thủ đi "ấy"... nên tính ra gọi là ngồi xe 8 tiếng nhưng mất vài tiếng vì các trạm cửa khẩu cộp dấu thủ tục.

Chưa kể lại vào bến nghỉ trưa, ai cơm thì cơm, ai cháo thì cháo, không cơm cháo thì móc ba lô ra xài đồ lương khô...


Bus nào cũng giống bus nào, chỉ khác số. Chắc ăn khỏi lạc, trễ giờ, cứ đầu xe mình mà ngả ngốn.

Thi thoảng xe còn ngừng lại xăng cộ hay nghỉ ngơi. 

Vào cái kiot này mua một ly nước lọc nhỏ, bé bằng nửa lon sữa, giá nửa đô Bờ.

Chóng mặt.


Đi bus cũng còn được ngó nghiêng. Chả hạn, trong công viên hoành tráng, người Bờ đặt ngay một chiếc máy xúc, máy ủi cũ, có rào bảo vệ đàng hoàng.

Hẳn là kỷ vật, chiến tích xây dựng đất nước. Thay vì làm tượng đài, khắc bia, cứ bệ nguyên cho lớp trẻ thấy mà tưởng tượng lớp cha ông từng khẩn hoang bằng những công cụ như thế...  More

1 nhận xét:

  1. bạn thấy thế nào về vietnam motorbike tour Loop Bike Tours? Bạn đã thử dịch vụ du lịch ở đây chưa?

    Trả lờiXóa